Trong quá trình mang thai, bà bầu thường được khuyên ăn thêm trứng vịt lộn để con to khỏe. Vậy bà bầu ăn trứng vịt lộn có tốt không và nên ăn bao nhiêu là đủ?
Giá trị dinh dưỡng của trứng vịt lộn
Theo chuyên gia dinh dưỡng, trứng vịt lộn là một loại thực phẩm bổ dưỡng đối với sức khỏe. Hai quả trứng vịt lộn (tương đương gần 100g) cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể như: 182 kcal, 13,6g protein, 12,4g lipid, 4g glucid, 81mg canxi.
Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin A và photpho trong trứng vịt lộn tương đối cao, tương ứng là: 911 mcg và 212mg. Ngoài ra, hàm lượng cholesterol của trứng vịt lộn cũng khá cao, khoảng 600mg/100g.
Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng cho những bà bầu có thai nhi nhỏ, nhẹ cân. Ảnh minh họa
Trong Đông y, trứng vịt lộn cũng là một vị thuốc, có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể tăng trưởng.
Với hàm lượng dinh dưỡng nêu trên, trứng vịt lộn là món ăn rất bổ, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên việc ăn quá nhiều trứng vịt lộn sẽ có thể khiến cho cơ thể bị thừa chất.
Đặc biệt, do hàm lượng cholesterol của trứng vịt lộn cao nên nếu ăn hàng ngày dễ gây ra các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ... do dư thừa lượng cholesterol. Với những người đang mắc các bệnh này, nếu ăn nhiều trứng vịt lộn dễ làm bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ gặp biến chứng.
Bà bầu ăn trứng vịt lộn có tốt không?
Đối với bà bầu, trứng vịt lộn là món ăn giàu dinh dưỡng nên rất tốt cho bà bầu có thai nhi nhẹ cân. Vì vậy mà những bà bầu có thai nhi tăng cân chậm thường được các bác sĩ sản khoa tư vấn ăn thêm trứng vịt lộn vào buổi sáng để con tăng cân, to khỏe.
Tuy nhiên, do trứng vịt lộn giàu dinh dưỡng nên bà bầu không nên ăn hàng ngày và có thể ăn khoảng 2 quả mỗi tuần.
Đối với bà bầu có thai nhi phát triển khỏe mạnh bình thường, tăng đủ cân nặng hoặc thai to thì nên hạn chế ăn trứng vịt lộn để tránh tăng cân quá mức, vì thai to quá sẽ sẽ không tốt cho cả mẹ và bé.
Bà bầu cũng cần lưu ý, khi ăn trứng vịt lộn không nên ăn rau răm vì sẽ không tốt cho thai nhi.
Thời điểm ăn vịt lộn tốt nhất là trong bữa sáng. Bởi sau 1 đêm ngủ dài, cơ thể thiếu năng lượng cho một ngày mới. Khi ăn vịt lộn có nhiều chất bổ sẽ đóng góp khoảng 20% calo cần đưa vào cơ thể để cơ thể cảm thấy sảng khoái hơn.
Ngược lại với giá trị dinh dưỡng cao nếu ăn vịt lộn vào bữa tối hay gần giờ đi ngủ lại là sai lầm. Bởi thời điểm đó, là lúc hệ tiêu hóa hoạt động kém, ăn vịt lộn vào gây đầy bụng, khó tiêu nên khó ngủ hơn.