Mới đây, thông tin "người tình tin đồn" của "chân sút" Quang Hải bị một số đối tượng gửi tin nhắn đe dọa khiến nhiều người hoang mang. Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội đã lên tiếng chia sẻ về vụ việc.
- Kẹt ở Úc gần 1 năm vì dịch, đây là cách đặc biệt giúp thiếu gia Minh Hải vơi đi nỗi nhớ mẹ con Hoà Minzy?
- 'Tình tin đồn' của Huỳnh Phương 'cầu cứu' khi bị 'cuỗm' hàng trăm triệu đồng, phương thức lừa đảo khiến nhiều người 'ngã ngửa' vì quá quen thuộc
Mới đây, Chu Thanh Huyền - "tình tin đồn" của cầu thủ Quang Hải bất ngờ đăng tải bài viết cho biết bản thân và gia đình đang bị một số đối tượng gửi tin nhắn đe dọa, tạt axit hay thậm chí là tung ảnh nóng với danh tính của cô lên mạng xã hội. Được biết, Chu Thanh Huyền đã trình báo với cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp Thị, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để làm rõ những mâu thuẫn giữa các bên có liên quan.
Cơ quan chức năng sẽ tìm ra manh mối, thông tin của người đã nhắn tin đe dọa cô gái. Khi xác định được người đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ được động cơ mục đích của việc nhắn tin đe dọa là gì. Động cơ, mục đích nhắn tin là yếu tố quan trọng để xác định hành vi vi phạm đến mức độ nào, có đến mức có thể xử lý bằng chế tài hình sự hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác bằng tin nhắn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 bộ luật hình sự năm 2015 mà không phụ thuộc vào việc người đe dọa đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.
Theo quy định của pháp luật, tội Cưỡng đoạt tài sản có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào số lượng tài sản là bao nhiêu, đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa thì hành vi này cũng đã bị xử lý hình sự.
Còn trường hợp hành vi nhắn tin đe dọa là do mâu thuẫn cá nhân, không kèm theo mục đích yêu cầu đưa tài sản thì hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đe dọa đến tính mạng của người khác khiến người bị đe dọa lo sợ có thể bị sát hại thì người đe dọa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người theo quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015.
Để xử lý người nhắn tin đe dọa nạn nhân về tội Đe doạ giết người thì cơ quan điều tra, thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh có hành vi đe dọa sát hại nạn nhân.
Hành vi đe dọa này dẫn đến hậu quả nạn nhân lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Còn trường hợp nội dung đe dọa không nói rõ là sẽ giết người hoặc nạn nhân không sợ hãi đến mức tin rằng việc đó có thể xảy ra thì sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người.
Trong trường hợp có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhưng không nhằm mục đích sát hại nạn nhân, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt có thể tới 3.000.000 đồng.
Theo quy định của pháp luật thì người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo, thuê người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người chủ mưu cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh mà người thực hiện hành vi vi phạm đó đã thực hiện với vai trò đồng phạm.
Với người chủ mưu, người khởi xướng thì sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc hơn. Hành vi gây thương tích thuê hoặc thuê người gây thương tích là tình tiết được xác định là tăng nặng trách nhiệm hình sự
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ đây có phải là tin giả mạo hay không. Trong trường hợp nạn nhân đưa thông tin sai sự thật thì hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt có thể lên đến 15 triệu đồng.