Dù cho đôi chân teo tóp sau trận ốm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng anh Thành vẫn gắng gượng, đều đặn đi bán vé số để chạy lo cơm ngày 3 bữa cho 2 đứa con gái nhỏ.
- Thương tâm: Nhà bị cột cửa phóng hỏa giữa đêm nghi do mâu thuẫn tình cảm, mẹ tử vong còn con trai bỏng nặng
- Thảm cảnh 6 đứa trẻ mồ côi cha ước mơ mẹ có tiền chữa bệnh để chăm lo cho đàn con
Không chịu được cảnh nghèo, mẹ bỏ 3 bố con tìm hạnh phúc mới
Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Hữu Thành (41 tuổi) ở tổ 3, ấp 4 cạnh cầu vượt Nguyễn Văn Linh (Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Phải loay hoay một hồi chúng tôi mới tìm được nhà anh Thành, vì nó nằm sâu trong nhiều con hẻm nhỏ.
Theo chia sẻ của anh Thành, cách đây 4 năm, vì cuộc sống của hai vợ chồng khó khăn nên vợ anh đã bỏ đi, để lại anh một mình nuôi hai đứa con thơ. Bản thân anh Thành cũng không may mắn, lúc 9 tháng tuổi bị sốt bại liệt nên dẫn đến yếu ở hai chân, từ đó hai chân không phát triển.
Một lần vô tình nhận được cuộc điện thoại nhầm từ một một cô gái (vợ anh cũng là trẻ mồ côi, trước đó sinh sống tại chùa Pháp Võ, quận 7), cả 2 cảm mến nhau. Từ đó, những cuộc trò chuyện diễn ra thường xuyên hơn, rồi hai người quyết nên duyên nợ. Vì hoàn cảnh khó khăn, không có đất, có nhà, anh được người hàng xóm cho mượn cái chuồng gà không còn sử dụng để dựng tạm thành cái chòi lá, sửa lại thành chỗ che nắng mưa cho cả gia đình.
"Sống với nhau được hơn 10 năm, 2 đứa con gái cũng lần lượt chào đời, bình thường anh đi bán vé số, vợ anh ở nhà giữ con. Sau đó chị mới xin anh cho đi phụ bán thịt ở chợ Bình Điền, nào ngờ...", anh Thành ngập ngừng rồi nói tiếp.
"Vợ anh ôm con bé nhỏ (Thảo Nguyên - khi ấy hơn 2 tuổi) rồi đi đâu mất, anh chạy đi tìm khắp nơi nhưng không gặp được. Mọi người ở chợ nói vợ anh đi theo người khác rồi, lúc đó anh hụt hẫng lắm, chẳng còn biết như thế nào nữa".
Theo anh Thành, sau khi vợ anh cùng đứa con gái nhỏ bỏ đi được ít hôm, vợ anh có gọi điện về nói đã bỏ bé Thảo Nguyên ở trên chùa Pháp Võ, bảo với anh lên nhận con. "Nhưng khi anh đến chùa thì người ta không cho nhận, vì người nào gửi thì người đó mới được nhận. Phải đi tới đi lui mấy lần rồi làm giấy cam kết người ta mới cho anh nhận con về", anh Thành nghẹn lời.
"Cũng chỉ vì anh nghèo quá, lại tật nguyền nên vợ anh mới bỏ đi như vậy. Chỉ trách mình số khổ, chứ anh nào dám trách gì vợ mình đâu, chỉ có điều thương 2 đứa con gái sớm mất đi tình thương của mẹ. Cuộc đời anh hạnh phúc cũng bắt đầu từ một số máy lạ để rồi nó kết thúc cũng từ một số máy lạ, đau đớn lắm".
3 bố con sống trong "chuồng gà" nhờ tình thương của cộng đồng
Từ lúc vợ bỏ đi, mọi việc trong nhà điều nhờ vào đôi tay còn lại của anh Thành gánh vác. Hàng ngày, anh chuẩn bị bữa sáng cho các con từ lúc trời còn chưa kịp sáng, chiếc xe lăn của anh bắt đầu lăn bánh từ lúc tờ mờ sáng qua những con hẻm nhỏ để vượt ra đường lớn Nguyễn Văn Linh để bán 200 tờ vé số. Tranh thủ bán hết vé số, anh về chuẩn bị nấu nướng, tắm giặt cho hai con.
"Ở đây lúc đầu giấy tờ không có nên không ai tài trợ gì hết, tự lực bản thân mình thôi. Giờ thì mọi người xung quanh thấy 3 cha con đáng thương nên giúp đỡ, cuộc sống đã dễ dàng hơn", anh Thành nói.
Cái chòi lá tạm bợ được cải tạo từ chuồng gà của nhà hàng xóm đã được một số mạnh thường quân tài trợ, cất lại cái nhà nhỏ đủ để 3 cha con anh Thành che nắng, che mưa. Mọi vật dụng trong nhà như ti vi, tủ lạnh, nệm..., anh Thành cho biết đều được các mạnh thường quân tìm đến giúp đỡ.
Ngồi trong căn nhà vừa mới được xây dựng cùng 2 đứa con gái nhỏ, anh Thành cho biết cả đời anh chưa bao giờ dám mơ một ngày có được cái nhà "đàng hoàng" như hiện tại, dù cho căn nhà ấy chỉ vỏn vẹn khoảng 20m2.
"Với nhiều người cái nhà này của anh chẳng đáng là bao nhưng với anh, đó là điều anh chưa bao giờ nghĩ đến. Giờ được nhìn các con có chỗ che mưa, che nắng, không còn lạnh cóng, ngủ dột nát nữa là anh vui rồi", anh Thành nói.
Khi được chúng tôi hỏi trong suốt thời gian vợ bỏ đi, anh có cảm thấy bất lực hay tuyệt vọng không. Anh chỉ cười nhẹ nhàng rồi trầm ngâm nói: "Khuyết tật là một thiệt thòi, nhưng chọn cách nghĩ lại là lựa chọn của chính mình. Tuyệt vọng thì đôi khi cũng có, nhưng anh vẫn còn hai đứa con gái nữa, anh cần phải bỏ qua nó để lo cho con của mình".
Ngồi cạnh bố, Lê Ngọc Phương Thảo (11 tuổi) và Lê Ngọc Thảo Nguyên (7 tuổi) lấy sách Tiếng Việt lớp 1 ra tập đọc. Tuy cách nhau tận 4 tuổi nhưng đến đầu năm nay, anh Thành mới xin cho cả 2 đứa con đi học chung một lớp.
Tựa đầu vào vai bố, Phương Thảo thỏ thẻ: "Con thích sau này được làm cô giáo, con thương bố nhiều lắm". Trong khi đó, dù mới 7 tuổi nhưng Thảo Nguyên rất lanh lợi, mỗi ngày sau giờ học trên trường, 2 đứa trẻ lại cùng nhau phụ bố những công việc lặt vặt trong nhà.
Thấy bố vất vả, 2 đứa trẻ chỉ ước mình lớn lên thật nhanh để có thể đi làm phụ bố, còn mẹ với 2 đứa trẻ vẫn mãi là một nỗi nhớ nhung, mà có khi đến hết cuộc đời, chúng không thể gọi 2 tiếng "mẹ ơi" như bao bạn bè cùng trang lứa.
"Ở trường, mấy bạn được bố mẹ dẫn đi học, mua quà bánh cho nhiều lắm, con cũng nhớ mẹ nữa, mà không biết mẹ là ai...", Thảo Nguyên ngây ngô nói.
Trong căn nhà nhỏ, 3 bố con ngồi sát lại bên nhau, tuy công việc bán vé số mỗi ngày của anh Thành không quá vất vả, vẫn đủ lo được "cơm ngày ba bữa", nhưng có lẽ trong tiềm thức của một người bố, anh vẫn còn đó những nỗi lo toan.
"Giờ sức khỏe anh còn anh vẫn lo được cho 2 đứa con, chỉ sợ một ngày anh đổ bệnh, anh không biết phải tính như thế nào, 2 đứa còn quá nhỏ... Tiền bán vé số kiếm được mỗi ngày chỉ đủ cho anh lo cơm nước, quần áo cho con thôi, anh chỉ mong có được sức khỏe, nhìn 2 đứa ăn học trưởng thành, anh mới an lòng", anh Thành tâm sự.
Nhìn hai bé Phương Thảo và Thảo Nguyên đọc say sưa cuốn tập đọc lớp 1 mà lòng tôi cảm thấy ấm hơn. Dẫu biết rằng ở phía trước vẫn còn nhiều khó khăn chờ đợi 3 bố con anh, nhưng vẫn tin vào một điều kỳ diệu sẽ đến.
Quý bạn đọc có quan tâm, giúp đỡ cho hoàn cảnh của 3 cha con xin vui lòng liên hệ số điện thoại anh Thành: 0928051392. Xin chân thành cảm ơn!