Sinh ra 2 người con thì cả 2 đều mắc bệnh tâm thần, dù đã 19, 20 tuổi nhưng vẫn ngây dại như đứa trẻ lên 3 khiến cuộc sống của vợ chồng chú Lý Văn Minh (55 tuổi) chưa lúc nào bớt khổ. Để có được cơm ngày ba bữa, hai vợ chồng phải đi bẫy chuột, bắt ốc để bán cho người ta.
- 2020 “năm đổ lệ” vì những chuyến đi không vé khứ hồi, hành trình 1 lần thôi là ly biệt mãi
- Đến cạn lời với hình ảnh người phụ nữ đi xin tiền chữa bệnh, nhưng sau đó "đích" đến lại là... tiệm vàng
20 năm gồng gánh nuôi con khờ
Nhiều năm nay, người dân ấp Trung Thiên, xã An Trường A, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh đôi vợ chồng già, ai kêu gì làm nấy, suốt ngày lang thang ngoài ruộng để đi bẫy chuột, bắt ốc về gom góp tiền mua gạo nuôi 2 đứa con khờ.
Căn nhà cấp 4 được nhà nước xây tặng là nơi sinh sống của vợ chồng chú Minh cùng 2 người con tâm thần, chậm phát triển
Dù đã đi qua nửa đời người nhưng cuộc sống của vợ chồng chú Minh và cô Nguyễn Thị Chi 51 tuổi) chưa một ngày nhàn hạ. Những ngày đầu tháng 12/2020, chúng tôi tìm về căn nhà cấp 4 xập xệ nằm sâu trong cánh đồng lúa thuộc ấp Trung Thiên để thăm 4 người trong nhà chú Minh.
Ngoài bờ ruộng, Lý Minh Kha (20 tuổi, bị chậm phát triển) loay hoay bắt mấy con ốc bươu rồi ngước lên nhìn chúng tôi, cười ngây ngô. Cách đó mấy bước chân, chú Minh ngồi bệt dưới đất, tỏ vẻ mệt mỏi.
"Chú mệt quá, bệnh cũ lại tái phát rồi, sáng ra ruộng bắt chuột có tý mà về đừ người cả", chú Minh nói.
Theo chú Minh, sau khi kết hôn với cô Chi, cuộc sống của 2 vợ chồng sum vầy hạnh phúc khi lần lượt đón 2 đứa con (1 trai, 1 gái) chào đời. Trớ trêu thay, càng lớn những đứa con nhà chú Minh lại không giống như người ta. Nếu như người con trai đầu Minh Kha bị chậm phát triển, ngờ nghệch thì đứa con gái Lý Thị Mộng Thi (19 tuổi) bị chứng tâm thần từ nhỏ, chẳng nói rành rọt, suốt ngày chỉ biết ú ớ cười đùa.
Lý Minh Kha và Lý Thị Mộng Thi bị bệnh chậm phát triển, tâm thần từ nhỏ, dù được chú Minh đưa đi chạy chữa khắp nơi vẫn không có kết quả
"Thằng Kha năm nay đã 20 tuổi rồi, con Thi lên 19, anh em tụi nó có làm gì đâu. Suốt ngày đi chơi không à, cũng may 2 đứa đều ngoan ngoãn, không quậy phá, biết cha biết mẹ hết đó, có điều khùng khùng thôi à", chú Minh nghẹn lời.
Ngồi cạnh mẹ, Thi đưa đôi mắt khờ khạo nhìn xung quanh, suốt 19 năm qua em chỉ biết quanh quẫn ở nhà, đi lang thang ngoài ruộng để nô đùa cùng mấy đứa trẻ con trong xóm. Chưa một ngày được đi học, tuổi thơ của Thi gắn liền với bệnh viện, những toa thuốc thần kinh mà lúc ấy, chú Minh - cô Chi vẫn hi vọng rằng một ngày con mình sẽ giống người bình thường.
Căn nhà không có lấy một vật đáng giá, bữa cơm chiều cũng toàn là nước tương...
Cô Chi bị bệnh xương khớp nên chỉ có thể quanh quẩn ở nhà phụ chú Minh và trông 2 đứa con khờ
"Nhưng chữa hoài nó có hết đâu, mấy năm đầu cũng đi dữ lắm, hết bệnh viện này tới bệnh viện nọ, bác sĩ bảo bẩm sinh rồi, mình đành chấp nhận thôi. Dù sao nó cũng là con do mình sinh ra mà, đâu bỏ được", cô Chi rớt nước mắt.
Trước đây khi còn khỏe mạnh, cả 2 vợ chồng chú Minh đi làm thuê cuốc mướn cho người ta để trang trải chi tiêu trong nhà. Mấy năm trở lại đây, chú Minh bị u xơ tiền liệt tuyến, trong khi đó cô Chi bị thấp khớp, đau nhức khắp người nên 2 vợ chồng chỉ biết đi mò cua bắt ốc, bẫy chuột đồng để mua thức ăn hàng ngày. Tài sản lớn nhất của cả nhà là thửa ruộng nhỏ dùng để canh tác, tuy nhiên thu nhập chẳng đáng là bao.
Dù không lanh lợi như người ta nhưng cả Kha và Thi đều rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ
"Mấy bữa nhà hết gạo, chú phải đi mượn hàng xóm rồi đợi đi bẫy chuột về bán mà trả. Ngày nào may mắn thì kiếm được 50 ngàn để mua rau, không thì ăn cơm với nước tương. Hai đứa này (em Kha - Thi) dễ nuôi lắm, nào có đòi hỏi như con người ta, cho cái gì ăn cùng cười, có tụi nó ở bên cô chú cũng vui", chú Minh cười chua chát.
"Mỗi lần lấy thuốc có 100 ngàn mà chú không đủ tiền..."
Chú Minh nói như nghẹn lại nơi cổ họng rồi hướng mắt nhìn về 2 đứa con khờ đang ngồi trước hiên nhà. 100 ngàn đồng là số tiền mỗi lần mua thuốc cho Thi, dù không bệnh nặng nhưng chứng bệnh tâm thần buộc em phải có thuốc uống mỗi ngày. Với nhiều gia đình, số tiền vài trăm ngàn mỗi tháng không đáng là bao, nhưng với gia đình chú Minh đã là một sự khó khăn...
Kha còn phụ chú Minh ra ruộng để bắt ốc, cá đồng...
Những khoản tiền vay nợ của chú Minh để chữa bệnh cho con vẫn còn nằm trong sổ
"Lúc trước 2 vợ chồng còn đi làm thuê được cũng đủ xoay xở nuôi 2 đứa con. Giờ chú bệnh, cô bệnh nên khổ lắm. Con Thi thì cần thuốc mỗi ngày, lần nào đi mua cũng tốn hơn 100 ngàn mà chú không có tiền, tốn tiền xe ôm mấy chục nữa... Chú chỉ mong có được cái bảo hiểm để đi khám bệnh cho con, chứ thuốc mua ngoài tiền chịu không nổi", chú Minh tâm sự.
Theo chú Minh, trước khi gia đình có hộ nghèo, sau khi được cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa thì không còn hộ nghèo nữa. Riêng Thi mỗi tháng được nhận 405.000 đồng tiền trợ cấp bệnh tật, còn Kha thì không có.
Mỗi ngày, với thu nhập vài chục ngàn từ việc bắt ốc, bẫy chuột, vợ chồng chú Minh chỉ đủ mua gạo và chút thức ăn cho 2 đứa con. Bữa cơm chỉ đơn giản là rau luộc ngoài vườn và mấy con cá nhỏ.
Thi 19 tuổi vẫn như một đứa trẻ lên 3, chỉ biết cười đùa
Ôm 2 đứa con vào lòng, cô Chi rớt nước mắt: "Mình khổ, có được cơm ăn đã mừng, đâu cần ăn ngon đâu, đồ đạc quần áo của cả nhà đều được người ta cho cả. Biết hoàn cảnh khó khăn, lâu lâu cũng có người đến cho gạo, cho mì, cô vui lắm. Chỉ sợ một ngày nào đó, 2 vợ chồng không còn nữa, 2 đứa con chẳng biết tính sao".
Tựa đầu vào lòng mẹ, Thi ra vẻ nũng nịu. Dù không nói chuyện rành rọt, lanh lợi như bao người nhưng Thi vẫn cảm nhận được tình cảm của bố mẹ dành cho mình. "Thương bố, thương mẹ" - Thi ngô nghê nói.
Em thích thú khi nhận chiếc máy nghe nhạc của một mạnh thường quân giúp đỡ
May mắn không mắc bệnh nặng như Thi, Kha chỉ bị ảnh hưởng bởi chứng chậm phát triển, nói năng khó khăn hơn người bình thường. Lúc nhỏ, dù được bố mẹ cho đi học nhưng Kha không học nổi nên đành phải nghỉ, giờ em cũng chẳng nhớ mặt chữ là gì.
Nở nụ cười hiền hậu, Kha nói: "Em hay đi chơi với em (Thi), em còn bắt ốc cho mẹ nữa. Trước em có đi học mà quên hết rồi, em thương bố mẹ, thương em nữa, do em bệnh". Nói đoạn, Kha cười rồi chạy ùa ra ngoài ngõ.
Chú Minh lo sợ một ngày không xa sẽ chẳng còn ở bên cạnh 2 đứa con được nữa
Nụ cười ngây dại của 2 anh em Kha - Thi dù cho cuộc sống còn rất nhiều khó khăn
Trong căn nhà trống chẳng có một vật gì đáng giá, mấy người nhà chú Minh ngồi sát lại bên nhau. Chẳng biết những ngày tới, cuộc sống của gia đình sẽ ra sao khi 2 vợ chồng già chẳng có một công việc ổn định, bệnh tật triền miên mà 2 đứa con lại tâm thần, khờ khạo...
"Chú chẳng biết làm gì nữa, mấy chục năm rồi, có bao giờ no đủ đâu" - chú Minh nói đoạn, thở dài nhìn cô Chi.
Có lẽ với gia đình chú lúc này, việc có được cơm no ngày 3 bữa đã là một điều may mắn chứ nói gì đến tiền thuốc men cầm cự cho đứa con gái khờ. Hi vọng qua bài viết này, quý độc giả gần xa quan tâm hỗ trợ để gia đình có điều kiện duy trì cuộc sống.
“
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chú Minh: 0363205057.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1017664497.
Chủ tài khoản: Lý Văn Minh, chi nhánh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!
”