Khi biết thông tin về việc bạo hành trẻ em của Mái ấm Hoa Hồng, nhiều người dân và các nhà hảo tâm bảy tỏ sự tức giận. Trong đó có một bảo mẫu từng làm việc tại đây, bức xúc trước cách đối xử tệ bạc với trẻ em, chị đã tiết lộ sự thật về cơ sở này.
- Vụ trẻ bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Đã chuyển 85 cháu bé sang các cơ sở bảo trợ xã hội
- Lời khai gây phẫn nộ của bà chủ mái ấm bị tố bạo hành trẻ em: Chỉ là hành động bộc phát, mất kiểm soát trong lúc chăm sóc
Theo thông tin từ báo Dân trí, ngày 5/9, Công an TPHCM đang tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974) cùng một số người khác để điều tra sai phạm xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.
Bà Hương là chủ Mái ấm Hoa Hồng. Cơ sở này bị báo chí phanh phui việc bạo hành trẻ em và có dấu hiệu trục lợi quà từ thiện của các nhà hảo tâm.
Tổ công tác ghi nhận tổng số trẻ có mặt tại cơ sở là 85 trẻ; bao gồm 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại trường mầm non Sóc Bông), 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện. Số nhân viên tại thời điểm Tổ công tác làm việc là 15 người.
Lực lượng chức năng đã thu thập tài liệu, hồ sơ pháp lý hoạt động của cơ sở. Qua đó, nhà chức trách xác định cơ sở chỉ được nuôi dưỡng 39 trẻ, tuy nhiên thời điểm kiểm tra mái ấm có quá số trẻ quy định.
Sau một ngày làm việc, lực lượng chức năng bố trí 2 ô tô 50 chỗ ngồi để đưa các em từ Mái ấm Hoa Hồng đến 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập ở TPHCM. Nhiều nữ cán bộ được cử đi theo xe để chăm sóc các em nhỏ tuổi. Trong số 85 trẻ, 15 trẻ sơ sinh được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, đưa 34 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình và 36 trẻ được đưa vào Làng thiếu niên Thủ Đức.
Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, liên quan đến Mái ấm Hoa Hồng (địa chỉ tại L52 đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh) do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ, có một bảo mẫu từng làm việc tại đây, bức xúc trước cách đối xử tệ bạc với trẻ em, chị đã tiết lộ sự thật về cơ sở này.
Chị P.H.Y. buồn rầu cho biết, có rất nhiều người đã góp ý trực tiếp và gián tiếp tại cơ sở này về những vấn đề liên quan đến nuôi trẻ nhưng đều bị bác bỏ. Khi làm việc ở mái ấm này, chị Y. cảm nhận nơi đây thật sự không đáng danh mái ấm.
“Là nhân viên, bảo mẫu, mình rất thương trẻ con. Thấy bé bệnh, mình rất lo, sợ bé sẽ tình trạng xấu. Thấy trẻ bệnh nặng quá, có nhiều lần mình trực tiếp nói với cô Hương (bà Giáp Thị Sông Hương - chủ cơ sở) hãy chở trẻ bị bệnh đi viện, nhưng rồi toàn ở nhà uống thuốc tự phát. Chính như vậy, trong tâm mình áy náy, nhiều lần mình suy nghĩ, tiền họ cho nhiều vậy để làm gì? Tiền viện có là bao nhiêu so với suốt bao năm họ kinh doanh. Tã, sữa người ta đều cho rất nhiều, có cần phải lo nữa đâu, vậy sao không dùng tiền đó chạy chữa cho trẻ?”, chị Y. chia sẻ.
Khi làm việc ở đây, chị Y. cho biết cũng chỉ nhắm mắt thở dài, vì không biết làm gì, do bản thân lúc đó chỉ là nhân viên, không dám nói nhiều. Tã, sữa đầy ắp cả mấy căn nhà. Tã xịn, sữa xịn, thực phẩm chức năng, nhiều người cho không thiếu một thứ gì, nhưng chủ cơ sở này vẫn thường xuyên lên mạng than thở thiếu đủ thứ rồi đem bán.
“Mình nhớ rất rõ hôm đó tới ca mình làm nhưng đã hết tã trên phòng, mình qua kho lấy. Khi lấy vài bịch tã dán hiệu Hungry, thì bác Tập (anh trai cô Hương) không cho và nói với mình rằng: “Lấy ba cái tã cũ xài đi”. Mình phải lấy tã không có nhãn hiệu, nó nằm trong bọc trắng, mình rất ngạc nhiên. Họ nói tã khu vực này đem bán, tã bên kệ kia để xài. Nói chung, loại nào trên thị trường họ dùng nhiều mà tốt là đem bán, còn tả dỏm đem xài, có hôm còn xài trúng tả hết hạn, nó nổi mốc trong tã luôn ấy. Nếu lấy tã xịn cho trẻ dùng sẽ bị la”, chị Y. chia sẻ.
Những thứ nhà hảo tâm cho rất tốt nhưng đem bán, không thì chất cả đống ở kho. Có đồ thì không biết sử dụng, chẳng hạn như thuốc và thực phẩm chức năng rất nhiều nhưng do không am hiểu công dụng nên có khi gần hết hạn sử dụng hoặc hết hạn mới đem ra dùng.
Chị Y. cũng tiết lộ, trong thời gian làm việc ở đây chị thấy các nhà hảo tâm cho rất nhiều tiền. Một ngày có thể có cả trăm triệu, một năm cả mấy tỷ, nhưng bột ăn, hay mọi thứ kể cả dầu gió, máy giặt, mì tôm, đường cát,… chủ cơ sở đều lên mạng xin. Có người gọi điện hỏi cần gì họ cho, chủ cơ sở này luôn miệng nói cần tiền thôi, cần tiền để mua đồ, nhưng không mua mà cứ lên mạng than thở để xin.
Nơi cô Hương bán tã, sữa, bình sữa... ra thị trường là một cửa hàng tạp hoá có tên T.L. ở gần Mái ấm Hoa Hồng.