Hà Nội từ bao đời nay đã hội tụ những tinh hoa, hồn cốt của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Trong đó, chơi hoa thủy tiên mỗi dịp Tết đến xuân về đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong lối sống thanh lịch của người Hà thành.
- Bố mẹ in mã QR cài tóc cho con nhận lì xì, là sự tiện lợi hay làm mất đi sự may mắn ngày Tết?
- Thông tin thời tiết 3 ngày Tết Nguyên đán 2024: Không khí lạnh dần suy yếu, thuận lợi để người dân du xuân
Thú chơi cầu kì, tao nhã
Người Hà Nội gốc từ xưa đến nay nổi tiếng cầu kỳ, tao nhã từ lời ăn tiếng nói đến những thú chơi. Trong đó không thể không kể đến thú chơi hoa thủy tiên - một thú chơi tinh tế, công phu và tao nhã của người Hà thành mỗi dịp Tết đến xuân về. Thủy tiên là loài hoa quý phái, được ví như “chén ngọc đĩa ngà”, như “nàng tiên nước”, khi nở có mùi hương tinh khiết, quyến rũ, cao sang. Không chỉ mang lại vẻ đẹp độc đáo, thú chơi hoa thủy tiên còn có ý nghĩa đặc biệt vào ngày Tết với người Hà thành.
Lối chơi hoa thủy tiên có từ bao giờ đến nay chưa có một tài liệu nào chứng thực. Chỉ biết rằng với người Hà Nội, đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu. Trước đây, mỗi dịp Tết, trong những gia đình quyền quý ở Hà Nội không thể thiếu bát hoa thuỷ tiên được nuôi dưỡng cẩn thận để tỏ lòng hiếu kính, dâng lên tổ tiên hay để trang trí trong nhà…
Chơi hoa thủy tiên mỗi dịp Tết đến xuân về đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong lối sống thanh lịch của người Hà thành.
Trong tác phẩm “Ăn Tết thủy tiên”, nhà văn Vũ Bằng đã dựng lên hình ảnh thú chơi hoa thủy tiên như một phần tất yếu của Tết: “Tôi vẫn không thể quên được những ngày gần Tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thủy tiên. Thày tôi mê gọt lắm, mất cả ăn cả ngủ vì thủy tiên, sinh ra ốm ra đau vì thủy tiên. Ðã bao nhiêu lần, mẹ tôi dọa sang năm không mua thủy tiên nữa để cho thày tôi mất gọt; nhưng nói thế thôi, chớ cứ từ đầu tháng chạp trở đi thì cụ đã đi chọn mua thủy tiên rồi...”.
Nói về thú chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội thuở xưa, khó có thể tìm được ai hiểu biết và gọt thủy tiên thuộc bậc “kỳ nhân” như cụ Nguyễn Phú Cường. Đã ở tuổi “nhân sinh thất thập” nhưng hàng ngày cụ vẫn dành hầu hết quỹ thời gian trong ngày để “tắm táp”, “chăm sóc” những củ thủy tiên chỉ để thỏa nỗi đam mê được ngắm, gọt, tỉa. Mỗi khi nói đến thủy tiên, cụ Cường như được sống lại cả một thời xưa cũ.
Cụ bảo, không biết thú chơi thủy tiên vào mỗi dịp Tết của người Hà Nội có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, Hà Nội từng tổ chức thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã - Hàng Buồm mỗi dịp Tết. Cụm hoa nào đoạt giải, được cả sắc hương lẫn dáng thế sẽ được đưa lên kiệu rước trên phố Hà Nội cho bàn dân chiêm ngưỡng, tôn vinh. Giới chơi hoa này đa phần là người già bởi lẽ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ và tốn kém.
Trong ký ức của cụ Cường, mỗi dịp gần Tết, ông ngoại vốn là người làng Chèm lại mang những củ thủy tiên khô ra, rồi ngâm nước cho căng mọng và nhú mầm. Ngày ngày, ông mang gọt, tỉa, xén tỉ mỉ cho tới khi ra hoa, rồi ngắm nghía… nhưng cậu bé Cường ngày đó nào biết rằng đấy là một sự sành chơi của dân thành thị. Hoa thủy tiên có đặc điểm đặc biệt nhất là chỉ nở vào dịp Tết. Người chơi chỉ có khoảng một tháng để cắt củ, đẽo, gọt cho hoa nở đúng vào Giao thừa. Cụ Cường trầm ngâm kể, cái hay, cái đẹp của thủy tiên ở chỗ, đây là loại hoa duy nhất chơi được 5 thứ, đó là: Rễ, lá, hoa, hương và dáng.
Một bát thủy tiên đẹp thì rễ phải trắng, dài; Lá có đường cong, nét uốn; Hoa phải giống như “đĩa bạc, chén vàng” (tức ngoài là 6 cánh hoa, trong là 1 cánh tròn như cái chén, trong cùng mới là nhụy). Hương hoa thì có thể thơm ngọt, thơm dịu tùy loại giống nhưng “chất” của nó phải đượm và vương lâu đến mức “không loài nào sánh được”. Cuối cùng, dáng phải đa dạng tùy cách người chăm tỉ mỉ và cạo, đảo, xén.
Người trẻ giữ gìn thú chơi hoa
Được biết, chơi hoa thủy tiên rất cầu kỳ từ khâu lựa củ, gọt hoa, chăm uốn... Bù lại, người chơi hoa có thể thưởng thức vẻ đẹp hài hòa của cả rễ, lá, hoa và hương thơm rất đặc biệt mà không loài hoa nào có được. Chính vì vậy mà thủy tiên là loại hoa duy nhất dùng bát cắm riêng, không phải lọ, bát bằng thủy tinh hoặc pha lê trong suốt, chân cao, loe miệng. Bát cắm thủy tiên không thể dùng vào bất kể việc gì khác.
Cầu kỳ, tinh tế, thanh tao là vậy mà không hiểu vì lý do gì, trong khoảng một thời gian dài (từ 1962-1996), thú chơi này gần như biết mất ở Hà Nội. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, thú chơi này đang dần trở lại trong giới trẻ. Họ thành lập những nhóm, hội trên mạng xã hội như: Những người yêu hoa thủy tiên; Tinh hoa thủy tiên Việt, quy tụ cả chục ngàn thành viên cùng trao đổi, học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm.
Anh Lương Văn Dương (sinh năm 1991) chia sẻ, sau nhiều năm học tập, làm việc ở Hà Nội, anh có tìm hiểu và quen được các nghệ nhân - là những người chơi lâu năm trong giới chơi thuỷ tiên. Các nghệ nhân này thấy anh vừa mê vừa tỉ mỉ thì nhận dạy cách gọt dưỡng, chứ nhất định không bán. Cũng theo anh Dương, chơi hoa thuỷ tiên là một thú chơi tinh tế, công phu và tao nhã của người Hà thành được lưu truyền từ xưa. Vì vậy, cũng yêu cầu người chơi phải có kỹ năng và kinh nghiệm. “Thủy tiên ưa mát lạnh, khô thoáng. Những năm mùa đông nóng ẩm bất thường là những năm mà làng chơi thuỷ tiên mang nhiều nỗi lo lắng”.
Thủy tiên là loại khó tính, đòi hỏi người chơi phải công phu và biết chiều chuộng nó, phải biết nương theo cái thất thường của thời tiết mà kìm, ủ, thúc cho hoa nở không sớm, không muộn, sao cho cứ đúng giao thừa, thủy tiên mới nở hàm tiếu thì may mắn nhất.