Chính sách mới về lương, lệ phí, phụ cấp, trợ cấp… sẽ có hiệu lực trong tháng 7/2018.
- Những chính sách vô cùng quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2018
- Hà Nội: Cháy khu tập thể A11 Nguyễn Quý Đức lúc nửa đêm, bà bầu và trẻ em được giải cứu an toàn
Tăng lương hưu, trợ cấp
Theo đó, nghị định 88/2018/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 quy định tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng…
Tăng lương cơ sở
Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, có hiệu lực từ 107 quy định: Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở áp dụng đối với công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân… tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng.
Mức lương này được dùng làm căn cứ tính mức lương trong bảng lương, phụ cấp; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Thưởng cán bộ công chức đến 0,8 lần lương
Theo nghị định 66/2018/NĐ-CP quy định về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định: Kiểm toán Nhà nước được sử dụng 5% số tiền do Kiểm toán Nhà nước phát hiện từ các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước, các khoản đã chi ngân sách sai chế độ... để chi khuyến khích, thưởng.
Mức thưởng tối đa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước bằng 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định, gồm lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp.
Số kinh phí còn lại được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.
Hướng dẫn tính lương, phụ cấp
Thông tư 06/2018/TT-BNV của bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và Hội, có hiệu lực từ ngày 15/7 quy định:
Vì mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 1.390.000 đồng/tháng, do đó, từ 1/7, mức lương được xác định bằng lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng nhân với hệ số hiện hưởng;
Phụ cấp được tính bằng mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng nhân với hệ số phụ cấp hiện hưởng (đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở).
Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7 = Mức lương thực hiện từ ngày 1/7 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) x tỉ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định
Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Phí photo tài liệu cơ quan Nhà nước
Thông tư 46/2018/TT-BTC của bộ Tài chính về việc quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 12 luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định:
Từ 1/7, người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin với mức như sau: phí photo tài liệu giấy là 3.000 đồng/trang đen trắng, photo màu 18.000 đồng/trang; in đen trắng 2.000 đồng/trang, in màu là 14.000 đồng/trang; phí in từ phim, ảnh gốc từ 36.000 đồng/tấm đến 135.000 đồng/tấm tùy kích cỡ; in sao tài liệu ghi âm (không bao gồm vật tư) 27.000 đồng/phút nghe; in sao phim điện ảnh (không bao gồm vật tư) 54.000 đồng/phút chiếu.
Đối với cơ quan Nhà nước tại địa bàn khó khăn, phí sao chụp tài liệu chỉ bằng 70% mức thu; tại địa bàn đặc biệt khó khăn chỉ bằng 50% mức thu nêu trên.
Người yêu cầu cung cấp thông tin không phải trả chi phí gửi thông tin yêu cầu cung cấp qua mạng điện tử, fax.
Được khuyến mại, giảm giá đến 100%
Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/7 quy định:
Từ 15/7, tổng thời gian thực hiện chương trình giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ tối đa là 120 ngày/năm (tăng 30 ngày so với quy định cũ).
Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại theo hình thức: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Khuyến mại bằng hình thức giảm giá; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.
Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại.
Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức này cũng được áp dụng đối với hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Trừ trường hợp tổ chức trương trình khuyến mại tập trung thì được áp dụng mức giảm giá tối đa 100%.
Doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được khuyến mại theo mô hình đa cấp.