Thông tin mới nhất được nhóm thiện nguyện chia sẻ thì người phụ nữ vô gia cư đau đớn mất chồng trên phố đã được họ hàng đón về chăm sóc.
- Sản phụ 27 tuổi mắc Covid-19 không qua khỏi, xúc động các y bác sĩ kịp cứu sống thai nhi trong bụng
- Bị chủ trọ đòi tiền phòng, người đàn ông thất nghiệp nài nỉ 'xin khất' không được liền bức xúc mắng: 'Không có tình người'
Mới đây, câu chuyện về đôi vợ chồng già mưu sinh trên đường phố Sài Gòn và phải chia ly ngay tại mảnh đất ấy đã khiến nhiều người xót xa, thương cảm.
Ngày 20/8/2021, nhóm hỗ trợ mai táng 0 đồng của chị Giang Kim Cúc và những cộng sự đã đăng tải hoàn cảnh xót xa mà nhóm giúp đỡ trong ngày hôm ấy. Người mất là chú N.V.T. (SN 1968). Còn người vợ tên là N.T.T.L. (1966). Fanpage chị Kim Cúc viết: "Hai cô chú sống lang thang, trên nhiều con đường ở Sài Gòn đông đúc, chật hẹp này. Bữa no, bữa đói nhưng họ vẫn có nhau, đồng hành cùng nhau hơn 50 năm cuộc đời. Chú mất, trên tay vẫn cầm bịch đồ ăn mà Mạnh thường quân tặng. Với sức khỏe già yếu và nhiều ngày liền ăn uống không đảm bảo, chú đã an nghỉ mãi mãi, thương tiếc cho một đời người khó khăn. Vĩnh biệt chú!"
Hình ảnh người đàn ông qua đời trên chiếc xe lăn, trên tay vẫn ôm một chiếc túi còn người vợ quỳ bên xe khóc ngất khiến nhiều người xót xa. Câu chuyện nhanh chóng được rất nhiều fanpage lớn chia sẻ lại, nhận về hàng nghìn bình luận chia buồn, xót xa cho người đàn ông ấy bao nhiêu, người ta lại nghẹn ngào bấy nhiêu cho người vợ chỉ còn lại một mình, bơ vơ không nhà, không còn người thân thiết.
Và mới đây, trong video phát trực tiếp của tổ chức từ thiện này, các thành viên đã cập nhật tình hình hiện tại của cô L. Theo đó, lúc chuẩn bị đưa cô từ viện về sau khi có kết quả âm tính, đã có người liên hệ với thành viên nhóm và nhận là họ hàng của cô. Phía tổ chức từ thiện tiến hành xác nhận thông tin và chắc chắn người này là em dâu của cô L. nên đã yên tâm để cô về sống chung. Trong buổi gặp mặt, các thành viên đã trao lại cho cô số tiền 32 triệu được các mạnh thường quân ủng hộ. Mặc dù may mắn không nhiễm Covid-19 nhưng cô L. lại đang mắc bệnh u nang buồng trứng. Do đó, mọi người hi vọng có số tiền trên, cô có thể dùng để chữa trị bệnh, lấy lại sức khỏe.
Từ khi chồng ra đi, cô L. vẫn luôn nằm ngoài đường chỗ người bạn đời ra đi mặc mưa gió. Đến nay khi được đưa về cạnh người thân, cô không giấu nổi sự xúc động, gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ mình. Người thân của cô L. cho biết, từ nhỏ cô cùng em trai ở chung với bà nội, đến khi bà mất, mọi người tự tách nhau ra, rất lâu rồi không liên lạc lại. Vào thời điểm cô L. bỏ đi, gia đình em trai có đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Giờ đây em trai cô L. cũng không còn, người em dâu sau khi biết được tin tức của chị chồng liền muốn đón về ở cùng.
Cư dân mạng vô cùng vui mừng khi giờ đây cô L. đã có người ở bên chăm sóc. Rất nhiều người đã gửi lời chúc mừng đến cô và mong cô về sau sẽ có cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập tình thương từ người thân.
Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ báo Đất Việt/ Tri thức & Cuộc sống, thường ngày, hai vợ chồng chú T. - cô L. vẫn cùng nhau đi bán vé số mưu sinh qua ngày. Dịch bệnh Covid-19 ập đến, cô chú không còn được bán vé số, không đủ tiền trả phòng trọ đành mưu sinh vỉa hè nhà dân, xin đồ từ thiện. Chú và cô gặp nhau, gắn bó với nhau 20 năm trước. Khi đó cô L. phụ quán hủ tiếu còn chú T. lượm ve chai. Họ gắn bó với nhau như thế đến tận bây giờ, không có con cái. Những ngày chú bị tai biến phải ngồi xe lăn, cô L. ở bên chăm sóc, hai vợ chồng dong duổi Sài Gòn bán vé số kiếm sống qua ngày.
Trả lời trên Tổ quốc về những hình ảnh trong đoạn clip và chuyện 2 vợ chồng có xích mích với nhau suốt nhiều năm sống chung hay không, cô L. kể: "Nhiều khi đi bán về mệt, ông còn đi ngoài ra quần luôn nên tôi cũng hơi quạo, hơi gây với ông một chút thôi. Nhưng chỉ la rồi thôi. Có la như vậy cũng chỉ là để ông cố gắng. Chứ tôi không ghét bỏ đánh ổng chi hết".
Cô L. cũng cho biết, hai vợ chồng sống bao năm cũng có lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt, lúc cáu gắt cũng "quýnh" nhau nhưng rồi lại đâu vào đấy. Nếu không thương yêu nhau sao có thể cùng nhau vượt qua bao khó khăn, vất vả mưu sinh để sống bên nhau đến tận bây giờ. Kể về những ngày tháng cuối trước khi ông Tài qua đời, người phụ nữ nghẹn ngào: "Mấy đêm trước ông cứ ngồi nhìn tôi hoài, ông không chịu ngủ. Tôi mới nói là "sao không ngủ đi', chứ không có nghĩ gì... Hôm qua ổng còn chọc tôi, mà giờ ổng bỏ ổng đi rồi".