Nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tục, người dân 'chóng mặt' vì hóa đơn tiền điện ở TP.HCM

Đời sống 05/05/2024 12:08

Đầu tháng 5/2024, khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, nhiều hộ dân tại TPHCM “tá hỏa” khi thấy tiền điện tăng cao.

Theo thông tin từ VNExpress, nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao được lý giải do nắng nóng. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sử dụng điện trong tháng 4 lập nhiều kỷ lục mới, sản lượng tiêu thụ có ngày gần chạm mốc 1 tỷ kWh.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) - cũng cho rằng miền Nam nắng nóng bất thường kéo dài với nền nhiệt trung bình trên 35-40 độ C vào buổi trưa đã khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tại hộ gia đình tăng cao.

Thống kê của EVNHCMC cho thấy tháng tư, sản lượng tiêu thụ của toàn TP HCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng 12,4% so với tháng 3. Đặc biệt, trong các ngày 24,25 và 26 tháng 4, lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt 100 triệu kWh chứng tỏ công suất tiêu thụ đột biến.

Nắng nóng là "thủ phạm" khiến hóa đơn tiền điện tăng. Song, một lý do khác là hóa đơn tính tiền điện bị nhảy bậc theo biểu giá lũy tiến 6 bậc.

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tục, người dân 'chóng mặt' vì hóa đơn tiền điện ở TP.HCM  - Ảnh 1
Hoá đơn tiền điện tăng đột biến - Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Tạp chí tri thức, nhiều người dân tại TP.HCM bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 (chốt ngày 30/4). Điểm chung là hóa đơn tiền điện tháng vừa qua đều ghi nhận tăng so với các tháng trước, thậm chí có hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần.

Vừa nhận thông báo thanh toán hơn 1,1 triệu đồng tiền điện tháng 4, chị Hằng Nguyễn (quận 4) không khỏi bất ngờ. "Thông thường, các tháng trước tôi chỉ trả khoảng 600.000 đồng tiền điện nhưng tháng này tăng vọt gần gấp đôi, trong khi chỉ sống một mình và dùng các thiết bị điện như điều hòa, quạt... vào buổi tối", chị chia sẻ.

Tương tự, anh Minh Thành (quận 7) cũng cho biết hóa đơn tiền điện gia đình anh đã tăng thêm hơn 500.000-600.000 đồng trong tháng vừa qua, lên hơn 1,8 triệu đồng. "Trung bình các tháng trước, gia đình tôi chỉ trả khoảng 1,2-1,3 triệu đồng tiền điện, dù biết nắng nóng nhưng không nghĩ tháng này lại tăng cao như vậy", anh nói.

 

Tại TP.HCM, ông Kiên cho biết trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình có 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình) với sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỷ kWh (chiếm 52,38% tổng sản lượng và tăng 20% so tháng 3). Theo quy định, sản lượng điện dùng bị nhảy bậc càng cao, giá tiền trả càng tăng. Đây là quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương ban hành năm 2023.

Chấp nhận giá điện sẽ tăng vì chênh lệch nhiệt độ và công suất tiêu thụ nhưng theo người tiêu dùng cách tính bậc thang của ngành điện đang bất hợp lý.

Bất cập trên đang được Bộ Công thương xin ý kiến và dự kiến sửa đổi. Theo đó, Bộ đang lấy ý kiến hạ bậc trong biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc hiện nay xuống 5. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh thay vì 50 kWh như hiện hành, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên. Giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Bộ Công Thương cho biết phương án biểu giá điện 5 bậc thang được 92,2% ý kiến góp ý đồng tình, chỉ có 7,8% đồng ý phương án rút ngắn còn 4 bậc thang. Chênh lệch giữa bậc 1-5 là 2 lần phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá biểu giá như trên sẽ tác động trực tiếp đến hộ tiêu dùng nhiều điện, chưa giải quyết được hết bất cập của biểu giá hiện hành (6 bậc). Tức là, các hộ càng sử dụng điện nhiều, mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên.

 

Ngoài biểu giá điện bậc thang, thị trường còn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau. Hiện, người tiêu dùng phải trả tiền điện bù cho sản xuất.

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tục, người dân 'chóng mặt' vì hóa đơn tiền điện ở TP.HCM  - Ảnh 2
TP.HCM đề nghị các hộ gia đình sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên - Ảnh: Internet

Thời gian tới, nắng nóng dự báo sẽ diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt có thể kéo dài so với trung bình hàng năm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), miền Bắc mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên nên tiêu thụ điện dù tăng cao, chưa tới mức đỉnh ghi nhận trong quá khứ.

Ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống, EVN khuyến cáo khách hàng tiết kiệm điện, điều chỉnh nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, nhà đèn lưu ý khách hàng sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở 26-27 độ trở lên.

Theo ông Trần Văn Cân, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm Casper Việt Nam, để tiết kiệm điện năng khi sử dụng điều hòa, người dùng nên chọn máy Inverter bởi có thể giảm tiêu tốn điện năng hơn 40% so với dòng máy cơ; điều chỉnh chế độ nhiệt hợp lý (26-28 độ C) và chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng.

Với dòng máy cơ (kể cả các dòng điều hòa nói chung), cần vệ sinh, bảo trì máy lạnh định kỳ; dùng tính năng hẹn giờ tắt máy để tránh lãng phí điện năng. Người dùng cũng cần tắt nguồn điều hòa khi không sử dụng trong thời gian dài. Thông thường, phòng có thể tích dưới 45 m3, nên lắp điều hòa có công suất 1 HP, phòng từ 45 đến 60 m3, nên chọn điều hòa 1.5 HP và từ 60 đến 80 m3 chọn loại 2 HP.

Thành phố Thủ Đức sẽ cấm hàng rong trước cổng trường sau vụ hàng chục học sinh ngộ độc

Vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 2/5 tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) có tổng cộng 16 học sinh nhập viện.

TIN MỚI NHẤT