Vào mùa hè hay mùa lụt, nhiều người bị ngộ độc thực phẩm do nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản...Cần phòng ngừa để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
- Những loại thực phẩm phổ biến trong nhà bếp càng dùng sẽ càng bị loãng xương
- Mùa hè rủ bạn bè, người thân đi ăn món này đảm bảo vừa thanh lọc, sạch mỡ máu, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và độc tố tự nhiên trong nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè và mùa bão, lụt.
Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch...
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 1281/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn chủ động khẩn trương xây dựng kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa Hè và mùa bão, lụt trên địa bàn quản lý.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Đơn cử việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu.
Ngoài ra, vào mùa Hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc. Vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2 - 3 tiếng. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.
Nếu muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, hãy để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, tốt nhất là đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C và thời gian trên 5 phút.
"Bên cạnh đó, việc ăn sống một số các loại thức ăn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc. Do đó, tốt nhất nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng như nôn ói nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì, chất nôn hoặc phân có máu, tiêu chảy hơn 3 ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C.