Trong một tuần, Đồng Nai liên tiếp ghi nhận nhiều ca cấp cứu do ngộ độc rượu methanol, 3 người đã tử vong.
- Không tốn tiền mua canxi, xương khớp vẫn chắc khỏe nhờ bổ sung vỏ trứng đều đặn theo cách này
- Ai cũng rửa sạch thớt gỗ theo cách này, chuyên gia khẳng định chưa đảm bảo diệt khuẩn, muốn nâng cao tuổi thọ của thớt phải làm thêm một bước sau!
Ngày 14/10, Bác sĩ Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 8/10 đến 14/10), đơn vị đã tiếp nhận 11 người nhập viện điều trị nghi ngộ độc methanol.
Toàn bộ 11 bệnh nhân đều có tiền sử uống rượu trước đó. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau thượng vị, hôn mê và được chẩn đoán bị ngộ độc rượu. Trong đó, một số bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa mức độ nặng.
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, 3 ca tử vong gồm một tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, một ở Trung tâm Y tế huyện Long Thành, một tại Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch. 6 người đã xuất viện, 7 người khác đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, thở máy, một số đã được lọc máu, lọc thận.
Trước sự việc này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã lấy mẫu rượu trắng được bán tại các quán tạp hóa, để kiểm nghiệm. Công an cũng vào cuộc điều tra vụ việc.
Ngày 15/10, đại tá Trần Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, tại địa phương vừa xảy ra một vụ ngộ độc rượu lớn, khiến 3 người tử vong.
Cụ thể, ông Đạt cho hay, trước đó một nhóm lao động khoảng 19 người đã tụ tập ăn nhậu tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau khi uống rượu thì có 17 người có biểu hiện nôn, ói, lơ mơ nên phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hiện đã có 3 người trong số các nạn nhân bị ngộ độc rượu đã tử vong.
"Chúng ta cần xem lại việc kiểm soát người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Không được để người dân tụ tập ăn nhậu, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện 5K để tiếp tục bảo vệ an toàn phòng chống dịch", ông Đạt nhấn mạnh.
Đại tá Trần Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thông tin vụ việc (Ảnh: Dân Việt)
Cũng theo ông Đạt, hiện công an đang phối hợp cùng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm tra xem rượu người dân uống là rượu gì.
"Chúng tôi nghi ngờ đó là rượu công nghiệp được pha bằng cồn và nước lã, hoặc pha cồn với chất gì đó mới dẫn đến ngộ độc nặng", ông Đạt nói.
Các bác sĩ điều trị cho những ca ngộ độc rượu cho biết, các trường hợp nhập viện có nhiều biểu hiện khác nhau như đau đầu, hôn mê, nhồi máu não, suy hô hấp và một số người bị ngưng tim nhiều lần ngay khi nhập viện. Số khác bị hôn mê sâu, nhiễm toan chuyển hóa mức độ nặng dù bệnh nhân đã được lọc máu và thở máy.
Bác sĩ CK1. Lê Thị Thu Hà - Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nói rằng từ các triệu chứng của bệnh nhân, các bác sĩ dự đoán họ bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp pha thành rượu), tuy nhiên, phải chờ kết quả xét nghiệm cụ thể.
“Hậu quả của ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp là rất nguy hiểm, nặng nhất là bệnh nhân tử vong. Những trường hợp khác, dù điều trị tích cực, bệnh nhân phục hồi nhưng khả năng sẽ mất thị lực hoàn toàn”, Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hà, do sau khi uống rượu dù thấy mệt nhưng đa số lại chủ quan, không nghĩ đến khả năng ngộ độc rượu nên đến bệnh viện muộn, ảnh hưởng đến tính mạng.
Không chỉ tỉnh Đồng Nai mà tại các bệnh viện ở TP. HCM, chỉ 10 ngày đầu tháng 10 sau khi nới giãn cách, các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu, một số trường hợp nặng người nhà xin đưa về lo hậu sự.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, mọi hoạt động dần trở về trạng thái bình thường thì tỷ lệ “ma men” sẽ có xu hướng tái lại. Tuy nhiên, hậu quả của ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng nhất là có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, mỗi người hãy tự y thức trong việc sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân.