Trẻ ho xong nôn có nguy hiểm không? Cha mẹ phải làm gì để chăm sóc bé?

Chăm sóc con 31/10/2022 09:30

Nhiều mẹ hốt hoảng khi con mình cứ mỗi lần ho xong lại bị nôn trớ. Cứ mỗi lần ho là mỗi lần bé nôn sạch hết sữa mới bú hay thức ăn mới ăn xong. Vậy liệu đây có phải là dấu hiệu cho hiện tượng sức khỏe nào không? Và nên chăm sóc bé như nào? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời ở ngay bài viết dưới đây nhé!

Nội dung bài viết

Trẻ ho xong nôn có phải là tình trạng nguy hiểm không?

Trẻ ho hoặc trẻ nôn trớ là những biểu hiện phổ biến ở trẻ, nhất là những trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi. Có thể đó chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường của trẻ nhưng mẹ cũng cần cảnh giác với tình trạng trẻ ho xong nôn. Có thể đó là một biểu hiện bệnh lý cần phải điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Do đó, mẹ cần phải biết cách phân biệt và xác định được nguyên nhân bé ho xong rồi bị nôn có nguy hiểm hay không.

Cụ thể, việc trẻ bị ho xong nôn có thể đơn thuần chỉ là do bé bị sặc sữa, sặc thức ăn rồi gây ho, sau đó là nôn trớ ra. Tuy nhiên, tình trạng lặp đi lặp lại nhiều, kể cả khi bé không ăn hay uống gì đó mà bé vẫn bị ho nhiều sau đó là bị nôn thì đó lại là dấu hiệu đáng lo.

tre ho xong non 1
Trẻ ho xong nôn có thể chỉ là dấu hiệu bình thường nhưng cũng có thể là cảnh báo bệnh lý!

Trường hợp nếu bé bị bị ho kèm theo nôn, những vẫn ăn ngoan, ngủ ngoan, không có biểu hiện gì bất thường khác thì mẹ không quá lo lắng. Tuy nhiên, khi bé cứ ho xong rồi nôn liên tục, trẻ bị ho và nôn về đêm mà lại kèm theo một trong số các triệu chứng khác như khóc quấy, bỏ bú, sốt cao,… thì mẹ cần phải đưa bé đi khám để biết được nguyên nhân và điều trị sớm.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị ho xong nôn

- Do độ tuổi: Ho và nôn là biểu hiện phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là những em bé sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Lý do là vì những bé dưới 2 tuổi, đặc biệt là sơ sinh dạ dày của trẻ còn nhỏ, lại nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên chỉ một tác động nhẹ cũng khiến bé nôn.

- Do các bệnh đường hô hấp: Trẻ ho xong nôn thường xuất hiện nhiều khi trẻ bị ốm bệnh. Các bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản,… là những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị ho. Khi các virus, vi khuẩn, nấm,… tấn công, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch non nớt dễ bị bệnh hơn, trẻ càng nhỏ tuổi thì sức đề kháng của trẻ càng yếu.

Các bệnh lý này có một số triệu chứng, trong đó phổ biến nhất chính là ho. Ngoài ho nhiều ra trẻ còn bị chảy nước mũi, sốt, có đờm xanh hoặc đờm vàng. Khi bé ho nhiều, lại có nhiều đờm nên rất dễ kích ứng gây nôn.

tre ho xong non 2
Viêm đường hô hấp là bệnh lý gây ho và nôn trớ nhiều nhất ở trẻ!

- Do các bệnh đường tiêu hóa: Các bệnh lý như trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột,… cũng có thể gây ra tình trạng trẻ ho xong nôn. Một số trẻ gặp phải bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở độ tuổi nhỏ do hình thái dạ dày chưa phát triển hoàn thiện, cơ thắt thực quản dưới hoạt động chưa hiệu quả nên thức ăn dễ bị trào ngược lên khi dạ dày co bóp. Thức ăn của trẻ lại đa số là thức ăn lỏng, trẻ lại nằm nhiều nên thức ăn dễ đi qua các khe hở và trào ngược lên thực quản. Lúc này, khi thức ăn trào ngược lên thực quản, có thể làm trẻ bị sặc, gây ho, sau đó là nôn ọc ra sữa hay thức ăn mới ăn.

- Do cha mẹ cho bé ăn sai cách: Có nhiều ông bà hoặc cha mẹ hay mắc phải sai lầm là ép bé ăn quá no, ép bé ăn thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Nhiều bé tuy còn nhỏ nhưng đã phát sinh ra tâm lý sợ ăn, cố rặn ra để ho để tránh việc phải ăn. Việc các bé cố rặn ra để ho như vậy khiến vùng cổ, thực quản bị kích thích, rất dễ gây nôn. Bên cạnh đó, cũng có mẹ sau khi cho bé ăn thường cho bé nằm luôn, hoặc bế xốc bé, vui đùa cùng bé cũng sẽ khiến bé dễ bị ho và nôn.

tre ho xong non 3
Ép bé ăn có thể khiến bé ho, nôn trớ, sặc và sợ hãi việc ăn!

Mẹ xử lý thế nào khi thấy trẻ ho xong nôn?

Cha mẹ khi thấy trẻ ho xong nôn thì không được hốt hoảng, phải bình tĩnh để xử lý nhanh giúp bé thoải mái, dễ chịu, không bị sặc, ảnh hưởng đến đường thở cũng như khiến bé khó chịu, bí bách. Một số những việc bạn cần làm như sau:

– Khi thấy trẻ bị ho nhiều, buồn nôn và nôn trớ ra sữa và thức ăn thì các mẹ cần lau sạch miệng cho bé bằng khăn sạch, rồi cho bé uống nước. Sau đó, thay quần áo mới cho bé, hoặc lau người cho bé để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra. Đồng thời, mẹ cũng nên quấn 1 chiếc khăn ăn quanh cổ bé để phòng trường hợp bé nôn tiếp.

– Bên cạnh đó, bó mẹ tuyệt đối không nên bế xốc trẻ lên khi bé đang bị nôn, mà nên để bé tư thế nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, bởi nếu bế bé đột ngột có thể khiến dịch ói bị tràn vào trong phổi hay khí quản sẽ gây nguy hiểm.

tre ho xong non 4
Hãy để bé nằm nghiêng và nôn hết ra!

– Ngoài ra, bố mẹ hay ông bà đừng quát mắng hay tỏ thái độ bực tức với bé, có thể khiến bé sợ hãi, mất bình tĩnh, quấy khóc to hơn và nôn trớ nhiều hơn. Mẹ hãy dỗ dành bé, an ủi và từ từ nói chuyện với trẻ để bé quên đi việc ho và nôn.

– Bố mẹ đặt bé nằm yên, kê cao đầu để thân mình phía trên cao hơn phía dưới, tránh hiện tượng trào ngược. Nếu mẹ thấy bé ho và ọc sữa nhiều thì nên cho bé nằm nghiêng sang một bên để không bị hít dịch nôn vào phổi.

– Không nên cho trẻ uống sữa luôn sau khi vừa mới ho và bị nôn ói.

– Vuốt lưng hoặc vuốt ngực của bé một cách chậm rãi và nhẹ nhàng theo chiều từ trên xuống dưới để dịch vị đi xuống dạ dày, tránh tình trạng bị trào ngược lên.

tre ho xong non 5
Mẹ vuốt lưng cho bé dễ chịu hơn sau khi bị ho và nôn!

– Nên cho bé ăn những loại thức ăn dễ nuốt, dễ tiêu như cháo, bột, súp.

– Khi nôn nhiều trẻ sẽ mất một lượng nước khá lớn, do đó bố mẹ nên bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể trẻ không bị mất chất điện giải. Mẹ có thể pha dùng dung dịch Oresol với nước đun sôi để nguội hoặc nước trái cây loãng để đút cho bé uống.

Mẹ cần làm gì khi bé thường xuyên ho xong rồi nôn?

1. Giữ ấm cho trẻ

Với các trẻ đang bị ho, các mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ cả vào mùa đông và mùa hè. Với mùa đông thì mẹ cần cho bé mặc quần áo đủ ấm, cuốn khăn quàng cổ, ra ngoài trời cần mặc ấm, đeo khẩu trang. Vào mùa hè thì không để điều hòa trong phòng quá lạnh, đặc biệt vào đêm và gần sáng. Bên cạnh đó, mẹ tuyệt đối không cho bé ăn đồ lạnh, ăn kem, uống nước đá,…

tre ho xong non 6
Chú ý giữ ấm cho bé trong mùa lạnh để phòng bệnh hô hấp!

2. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ

Cho trẻ ăn đầy đủ chất các dinh dưỡng, đa dạng về các nhóm thực phẩm giúp trẻ có sức khỏe tốt và hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn để chống lại tác nhân gây bệnh. Đồng thời, trong giai đoạn bệnh, mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước, có thể là nước lọc, nước trái cây, nhằm cung cấp các vitamin thiết yếu và lượng nước cần thiết cho trẻ.

3. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

Để giảm bớt tình trạng trẻ bị ho xong nôn như thế này, mẹ nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Mỗi lần chỉ ăn vừa đủ, hoặc hơi đói một chút sẽ giúp dạ dày bé tiêu hóa nhanh hơn, tránh bị nôn trớ ra ngoài. Mẹ nên chọn đồ ăn dễ tiêu, dễ nuốt, mức độ lỏng của đồ ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Tóm lại, hiện tượng trẻ ho xong nôn là một triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ mà các mẹ cần phải đặc biệt chú ý, vì ở giai đoạn đầu đời, cơ thể bé còn non nớt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc nhiều loại bệnh. Mẹ hãy tham khảo thông tin về các bệnh phổ biến của trẻ ở trên để chăm sóc con yêu tốt hơn mỗi ngày nhé! Chúc các bé của chúng ta luôn khỏe mạnh và mau ăn chóng lớn!

Cách làm scrunchies siêu xinh và đơn giản cho bé!

Những chiếc scrunchies đầy màu sắc với đủ mọi thiết kế đáng yêu, nữ tính, luôn dễ dàng đốn tim các chị em, và tất nhiên là cũng thu hút được sự yêu thích của các bé cưng nhà chúng ta!

TIN MỚI NHẤT