Trẻ 2 tháng mọc răng có nguy hiểm không?

Chăm sóc con 07/10/2022 11:45

Thông thường trẻ nhỏ từ 6 tháng mới bắt đầu mọc răng sữa. Tuy nhiên có một số trường hợp trẻ 2 tháng mọc răng khiến các mẹ rất lo lắng không biết có nguy hiểm hay ảnh hưởng gì không. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này các mẹ nhé!

Trẻ 2 tháng mọc răng có sớm không?

Thông thường, khi bé được khoảng từ 6 tháng đến 7 tháng thì sẽ bắt đầu mọc 2 chiếc răng sữa đầu tiên, thường là răng cửa hàm dưới. Khoảng từ 7 – 8 tháng thì mọc răng cửa hàm dưới thứ hai. Và tiếp tục sẽ mọc tiếp răng nanh, răng hàm tiếp theo trong giai đoạn từ 12 – 30 tháng. Tùy theo thể trạng từng bé mà bộ răng sữa sẽ mọc xong lúc bé từ 24 – 36 tháng tuổi với đầy đủ 20 răng.

Trẻ 2 tháng mọc răng có nguy hiểm không? - Ảnh 1
 Trẻ 2 tháng mọc răng sữa cũng là vấn đề khiến nhiều cha mẹ lo lắng!

Như vậy, trẻ mọc răng sớm tức là trẻ mọc răng trước tháng thứ 6. Có thể là ở trong độ tuổi từ 1, 2, 3, 4 hoặc 5 tháng. Nếu trẻ 2 tháng mọc răng được coi là mọc răng sớm. Các mẹ có thể theo dõi các biểu hiện của bé để phát hiện ra các dấu hiệu trẻ mọc răng sớm như:

-Bé mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, dễ cáu gắt

-Bé chảy nước dãi nhiều

-Bé thường nghiến nướu (lợi) hoặc là gặm ngón tay

-Bé có thể bị rối loạn tiêu hóa nhẹ như tiêu chảy phân lỏng

-Bé bị sốt nhẹ

-Kiểm tra lợi của bé có thể thấy dấu hiệu bị sưng, hơi tấy đỏ

-Bé bú ít, sụt cân

Trẻ 2 tháng mọc răng có nguy hiểm không? - Ảnh 2
 Bé thường có biểu hiện quấy khóc, sốt nhẹ và chảy dãi nhiều hơn khi mọc răng!

Các dấu hiệu này thường xuất hiện trước 3-5 ngày khi răng của bé nhú lên và sẽ hết trong khoảng 3 – 7 ngày.

Trẻ 2 tháng mọc răng có nguy hiểm không?

Nhiều bố mẹ thấy con mình mọc răng quá sớm, có trẻ 2 tháng mọc răng đã bắt đầu nứt lợi và nhú răng thì rất lo lắng. Sợ rằng bé mọc răng quá sớm là không bình thường hoặc là sẽ ảnh hưởng gì đó đến sự phát triển của bé. Nhiều mẹ cho bé đến khám bác sĩ, có mẹ thì lên các nhóm hay diễn đàn chăm sóc trẻ nhỏ hỏi han các mẹ khác về tình trạng của con mình.

Tuy nhiên, các mẹ không cần quá lo lắng đâu nhé, theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ 2 tháng tuổi mọc răng không phải là một hiện tượng nguy hiểm, đây chỉ là vấn đề bẩm sinh của trẻ. Nó không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Thậm chí, có một số trường hợp trẻ mới sinh đã mọc răng, có bé đặc biệt hơn, vừa sinh xong đã có sẵn 1, 2 chiếc răng. Ngược lại, cũng có bé hơn 1 tuổi mới bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên.

Trẻ 2 tháng mọc răng có nguy hiểm không? - Ảnh 3
 Bé mọc răng sữa sớm hay muộn thì cũng không đáng lo ngại nhé!

Vì thế trẻ mọc răng sớm hay muộn không có gì đáng ngại. Răng bé nhú lên cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc bú của bé và cũng không gây đau đớn cho mẹ. Phụ huynh không nên quá lo lắng về việc trẻ mọc răng sớm mà nên quan tâm đến việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé, giải quyết những dấu hiệu và triệu chứng thời kỳ mọc răng và dùng băng gạc y tế để vệ sinh răng miệng cho bé thường xuyên.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến thời gian mọc răng sớm hoặc muộn của trẻ

Trẻ mọc răng sớm hay mọc răng muộn còn tùy thuộc vào một số yếu tố tác động như:

- Yếu tố di truyền: Trẻ mọc răng sớm ví dụ như trẻ 2 tháng mọc răng có thể là do ảnh hưởng của gen di truyền. Có thể nếu bố, mẹ hay ông bà của bé đã từng mọc răng sớm như vậy thì bé cũng thừa hưởng gen này của gia đình mà mọc răng sớm hơn những trẻ cùng lứa tuổi khác.

- Do dinh dưỡng: Yếu tố dinh dưỡng cũng ảnh hưởng quan trọng đến thời gian mọc răng của bé. Khi bé đủ dinh dưỡng thì thường bé sẽ mọc răng đúng theo lứa tuổi hoặc sớm hơn, ít khi bị mọc răng chậm.

- Do vitamin D và canxi: Trẻ mọc răng sớm hay muộn cũng phụ thuộc vào việc trẻ có bị thiếu vitamin D và canxi hay không. Ví dụ trẻ thiếu tháng, trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, trẻ thiếu canxi… thì khả năng mọc răng sẽ chậm hơn so với bình thường.

Phân biệt trẻ mọc răng sớm với hiện tượng mọc nanh sữa ở trẻ sơ sinh

Có những trẻ mới chỉ 1, 2 tháng bị nhú nanh sữa, bố mẹ không biết nên cứ nghĩ đó là trẻ mọc răng sớm. Bố mẹ cần biết cách để phân biệt hai vấn đề này để có hướng chăm sóc răng miệng cho bé tốt nhất.

Nanh sữa là các nốt nhú lên ở lợi của bé, thường là những đốm màu trắng hoặc vàng nhạt, kích thước nhỏ khoảng 2-3mm. Có trường hợp nanh sữa to khoảng 1cm. Nanh sữa là một loại tổn thương lành tính hay gặp ở niêm mạc miệng của trẻ sơ sinh trong một thời gian ngắn. Khi trẻ mọc nanh sữa cũng thường quấy khóc, biếng ăn nên gây lo lắng cho cha mẹ.

Trẻ 2 tháng mọc răng có nguy hiểm không? - Ảnh 4
Răng nanh sữa khác với răng sữa, mẹ hãy lưu ý để có cách xử lý cho bé nhé! 

Khi trẻ mọc nanh sữa, bố mẹ cần đánh giá xem các nốt nanh sữa này có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé hay không. Nếu nanh sữa lành tính, bé sẽ chỉ quấy khóc một chút mà không có dấu hiệu nào khác thì chỉ cần vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách là được. Các nốt nanh sữa này sẽ tự động biến mất trong khoảng 1-2 tuần.

Trường hợp bé có nanh sữa mà bị đau làm bé quấy khóc nhiều, khó chịu, bỏ bú, sốt thì có thể là do nanh sữa đã bị nhiễm khuẩn khiến bé bị đau, sốt. Lúc này cần cho bé đi khám nha sĩ, bác sĩ để bác sĩ xem xét biện pháp xử lý. Có thể bác sĩ sẽ nhổ hoặc chích cái nốt nanh sữa đó và bé sẽ nhanh chóng hồi phục.

Trẻ 2 tháng tuổi mọc răng sớm hoặc mọc nanh sữa đều không có gì đáng ngại nhưng trẻ mọc nanh sữa nhiễm khuẩn thì cần phải xử lý kịp thời, tránh cho tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn, gây khó chịu cho bé.

Phải làm gì khi trẻ 2 tháng mọc răng?

Khi trẻ mọc răng, nhất là những trẻ nhỏ còn ít tháng như 2 tháng, 3 tháng tuổi thì bố mẹ chú ý áp dụng một số những phương pháp chăm sóc trẻ như sau:

- Cho bé ngậm một số vật mềm, an toàn như ti giả, vòng mọc răng để giúp bé đỡ ngứa lợi, nghiến vào lợi hoặc rớt rãi.

- Khi bé bị sốt nhẹ trước thời điểm răng nhú lên thì nên lau người bằng nước ấm cho bé, có thể dùng khăn ấm để đắp trán, nách và vùng bẹn cho bé.

- Mẹ nên cho bé bú nhiều lần hơn mỗi ngày, mỗi lần bú cũng nên cho bé bú no hơn một chút để tăng cường lượng nước, tránh bé bị mất nước.

- Để bé nằm ở phòng thông thoáng, kín gió, mặc quần áo thoải mái, thoáng mát.

- Khi bé sốt cao trên 38,5 độ C mà chườm ấm không giảm thì có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý là với những bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thì nên hạ sốt bằng paracetamol, không nên dùng ibuprofen. Liệu lượng theo cân nặng của bé, tránh uống quá liều. Khi bé uống thuốc hạ sốt 30 phút mà nhiệt độ không giảm thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra.

- Mẹ nên vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách lau sạch nước dãi ở vùng nướu (lợi) và quanh miệng của bé bằng gạc y tế mềm hoặc khăn bông mềm sạch. Nhất là những lúc bé mới bú hoặc ăn sữa xong. Chú ý lau nhẹ nhàng tránh làm tổn thương niêm mạc lợi mỏng manh của bé.

Như vậy, các mẹ có thể yên tâm rằng trẻ 2 tháng mọc răng không hề mang đến bất lợi gì cho sức khỏe và sự phát triển của bé. Khi thấy bé mọc răng sữa sớm, bố mẹ cần chú ý chăm sóc, theo dõi các dấu hiệu của bé. Thường thì các dấu hiệu khó chịu của bé sẽ hết khi răng nhú ra và bé vẫn khỏe mạnh bình thường. Các mẹ đừng quá lo lắng nhé!

Cách làm scrunchies siêu xinh và đơn giản cho bé!

Những chiếc scrunchies đầy màu sắc với đủ mọi thiết kế đáng yêu, nữ tính, luôn dễ dàng đốn tim các chị em, và tất nhiên là cũng thu hút được sự yêu thích của các bé cưng nhà chúng ta!

TIN MỚI NHẤT