Chị Phương đã theo dõi, ghi chép lại lịch sinh hoạt và đoán biết được tiếng khóc của con là vì nhu cầu gì. Từ đó chị đáp ứng đúng nhu cầu của con, đặc biệt trong việc ngủ và giúp con điều chỉnh để tự ngủ.
- Sáng ra ngủ dậy thấy con 3 tháng tuổi đã chết, cha mẹ kinh hoàng khi biết được nguyên nhân thật sự đằng sau
- Lý do bà bầu nên ngủ nghiêng bên trái
Việc luyện ngủ cho con sẽ rất khó nếu như mẹ không hiểu con, nhưng chỉ cần hiểu được nhu cầu và tiếng khóc của con rồi thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đó là điều mà chị Đỗ Phương (30 tuổi, hiện sống ở Hà Nội) đã đúc kết lại được sau khi luyện ngủ thành công cho cô con gái nhỏ. Bé Khoai của chị mới gần 3 tháng tuổi nhưng đã hoàn toàn có thể tự ngủ trong các giấc ngủ ngày (khoảng 2-3h/cữ) và đêm (từ 8h tối và 10h đêm dậy ti một lần) mà mẹ không cần dỗ dành nhiều. Mẹ chỉ cần đảm bảo môi trường ngủ cho bé và vỗ nhẹ.
Trước khi bắt đầu được mẹ luyện ngủ, bé Khoai cũng giống như hầu hết các em bé khác ở tính gắt ngủ. Bé khó đưa mình vào giấc ngủ nên rất hay khóc và cáu kỉnh, bé cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên dậy liên tục, mỗi giấc chỉ chập chờn thất thường. Thậm chí có những cữ đêm, bé vẫn chơi đến tận 12h hoặc 1h sáng không chịu đi ngủ, sau đó thì ngủ 1-2h lại dậy. Tình trạng này khiến mẹ cũng mệt mỏi khi chăm bé.
Vì vậy, chị Phương đã quyết tâm bắt tay vào công việc điều chỉnh lại lịch sinh hoạt cho con và chỉ mất khoảng 2 tuần là bé đã có thể tự ngủ được. Sở dĩ nói "giúp con điều chỉnh" là bởi chị Phương giải thích: "Mình thấy nhiều mẹ dùng từ "luyện" hoặc "rèn" ngủ và đánh đồng việc giúp bé tự ngủ với việc mặc kệ cho con khóc mệt chán thì lăn ra ngủ. Nhưng với bản thân mình thì thấy không phải vậy, mình không rèn hay luyện gì con cả mà mình giúp đỡ, hỗ trợ bé vì bé chưa biết cách tự đưa mình vào giấc ngủ được (trừ khi quá mệt, quá kiệt sức - mà điều này thực sự không tốt cho sự phát triển của bé trong thời kỳ sơ sinh một chút nào)".
Phương pháp luyện ngủ cho con gái được chị Phương tóm gọn trong một từ: Hiểu bé. Bởi chị tin rằng điều các mẹ cần làm khi giúp con là phải hiểu, nắm chắc lịch sinh hoạt cũng như các nhu cầu của con. "Em bé sơ sinh gần như chỉ có 3 nhu cầu chính là: ăn – ngủ - chơi, nhưng vì bé chưa biết nói nên mọi nhu cầu đó đều chỉ thể hiện qua tiếng khóc. Nếu như mẹ nắm chắc được và tự tin hiểu bé khóc vì nhu cầu gì thì việc giúp bé ngủ sẽ rất dễ dàng", chị Phương chia sẻ.
Từ đó, khi giờ giấc sinh hoạt của con còn lộn xộn, chị Phương đã chuẩn bị một quyển sổ nhỏ để ghi chép và nắm được giờ bé ăn, ngủ mỗi ngày cũng như hiểu được tiếng khóc của con là vì nhu cầu gì. "Ví dụ sau khi bú mẹ khoảng 2 tiếng trẻ mới đói. Vì vậy nếu như con mới bú lúc 1h mà đến 1h30 phút, 1h45 phút bé đã khóc thì không phải vì con đói. Mình sẽ không cho con bú nữa dù ai nói gì. Sau đó, mình sẽ kiểm tra các vấn đề khác như bỉm có bẩn không, người có nóng sốt, phòng có sáng quá không… Sau khi xử lý xong và loại trừ các khả năng này thì phần lớn bé khóc là vì buồn ngủ", chị Phương giải thích thêm.
Dấu hiệu buồn ngủ của con cũng được chị Phương liệt kê rõ ràng: "(1) Con giảm các hoạt động mạnh như đang tập lật, tập lẫy, ê a chơi vui mà bỗng yên ắng hơn, nằm im, nhìn mẹ chằm chằm hoặc cười… mà vẫn đang hoàn toàn thức. (2) Con ngáp khi đang chơi, ngáp xong vẫn chơi. (3) Thời gian từ lúc ăn tới lúc này đã hơn 1 tiếng. Và (4) dấu hiệu cuối là bé bắt đầu khóc, khó chịu, vặn vẹo, cáu gắt mà thường biết đến là gắt ngủ. Giai đoạn cuối này nếu không khắc phục kịp thời bé có thể khó rất to, dai dẳng, rất khó dỗ".
Vì vậy khi nhận thấy con có những dấu hiệu buồn ngủ như trên (chưa đến dấu hiệu cuối), chị Phương ngay lập tức cho con đi ngủ. Dù không phải đặt xuống là con ngủ mà chị dừng mọi hoạt động kích thích bé như đùa vui, à ơi, dỗ dành, bế ẵm, đung đưa…, từ từ cho con vào giường khi đang hoàn toàn thức. Chị đặt con xuống giường, trấn an con thật khẽ khàng, dùng gối chặn cho con khỏi giật mình, tay vẫn nắm nhẹ vào tay con cho đến khi con bắt đầu nằm im hoặc ngọ nguật xung quanh mà không hề khóc. Chị giữ nguyên như vậy khoảng 2-3 phút rồi nhẹ nhàng đi ra ngoài đứng quan sát con từ xa.
Nếu con vẫn ngọ nguậy, vặn vẹo mà không khóc, e e vừa phải, chị sẽ không chạy vào can thiệp, từ từ con sẽ ngủ. Nếu bé khóc trong vòng vài phút (khóc hờn muốn gọi người vào, khóc 1 vài tiếng lại dừng rồi mới khóc tiếp), ngọ nguậy giãy giụa thì chị không vào can thiệp, dần dần bé sẽ tự ngủ. Thế nhưng có những hôm bé bị quá giấc lâu sẽ khóc to, giãy mạnh, càng lúc càng gào to, mẹ vào trấn an rồi đi ra mà bé vẫn khóc nhiều thì mẹ sẽ vào bế bé lên, lặp lại quy trình ngủ như trên. Lần này, chị Phương sẽ chỉ nằm cạnh, tuyệt đối không nhìn vào mắt bé, không nói gì, không phản hồi lại bất kỳ tín hiệu nào của bé phát ra như ê a, ngọ nguậy, nhìn mẹ. Mẹ sẽ nằm cạnh phát ra tiếng "sh, sh, sh…" cho tới khi bé bình tĩnh hơn, chịu nằm yên và dần dần lim dim ngủ.
Thông qua câu chuyện của mình, chị Đỗ Phương cũng muốn gửi những lời khuyên nhỏ đến các mẹ đang muốn luyện ngủ cho con: "Hãy bình tĩnh khi con khóc. Theo dõi con để tự tin biết lý do bé khóc là vì nhu cầu gì. Cứng rắn khuyên mọi người xung quanh cùng mẹ giúp bé bằng cách đừng can thiệp vào quá trình tự ngủ của con, vì chỉ cần lao vào cắt ngang thì sẽ khiến bé tỉnh hẳn và việc luyện ngủ của con sẽ khó khăn hơn bội phần. Cuối cùng là hãy bình tĩnh và thả lỏng, thoải mái trong việc luyện ngủ cho con, bởi đó là điều cần nhất cho cả hai mẹ con trong những ngày tháng bên nhau".