Cha mẹ nên chườm mát, vỗ về và trấn an bé để giảm bớt những cơn đau cho trẻ sau những mũi tiêm phòng.
- 19 mũi tiêm phòng bảo vệ con cả đời, cha mẹ nào cũng nhất định phải biết
- Cha mẹ cần lưu ý khi tiêm vaccine mới cho trẻ
Cách giảm đau sau khi tiêm phòng cho trẻ
Trước tuổi lên 2, trẻ sẽ được tiêm khoảng 20 mũi tiêm phòng để tạo ra kháng thể, phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm. Tiêm phòng có thể khiến trẻ sưng đau, quấy khóc. Một số trẻ còn có triệu chứng nôn mửa, bỏ bú mẹ. Lúc này, các bậc cha mẹ không tránh khỏi việc lo lắng, xót con.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Trẻ sau khi tiêm phòng về thường có thể bị sưng đau. Ngày đầu tiên tiêm phòng về, nên chườm mát cho bé bằng cách lấy khăn dày sạch quấn viên đá lạnh bên trong rồi chườm”.
Nếu cần thiết, cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau (paracetamol). Tuyệt đối không được dán cao hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vùng da bị thương sau khi tiêm phòng, Bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.
Nhiều trường hợp trẻ sẽ bị sưng một thời gian dài sau khi tiêm nhưng không cảm thấy đau. Mẹ chỉ cần xoa nhẹ, vết sưng sẽ thuyên giảm.
Những việc mẹ nên làm sau khi trẻ tiêm phòng về
Nhiều nghiên cứu cho biết hành vi của cha mẹ ảnh hưởng đến 50% cảm xúc của trẻ khi được đưa đi tiêm. Cơn đau của trẻ chỉ là nhất thời, trong khi các mũi vắc-xin sẽ tạo ra hệ thống miễn dịch bảo vệ sức khỏe cho trẻ sau thời điểm đi tiêm.
Đối với trẻ sơ sinh, trước, trong và sau khi tiêm phòng, mẹ cần cho bé bú đủ. Được bú no say, trẻ sẽ giảm cảm giác đau đớn. Trong quá trình tiêm phòng, mẹ có thể phân tán tư tưởng bằng cách cho trẻ cầm món đồ chơi yêu thích hàng ngày; Ca hát hoặc trò chuyện cùng bé. Thái độ bình tĩnh của mẹ sẽ giúp bé cảm thấy an tâm và bắt chước tương tự.
Sau khi tiêm xong, mẹ hãy ôm bé ở tư thế đứng, xoa nhẹ vùng bị tiêm để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Những lần tiêm chủng sau, mẹ có thể quan sát biểu hiện của bé (quấy khóc hay vẫn chơi bình thường) để hiểu được cơn đau và cách chăm sóc bé thích hợp.