Sinh non khi thai nhi với 25 tuần tuổi chỉ nặng 6,5 lạng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ đã trải qua không biết bao nhiêu vất vả suốt 1 năm qua.
- Cay mắt với hành động của bé sinh non khi em gái song sinh sắp ra đi mãi mãi
- Bác sĩ Nhi hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ sinh non
Nhìn bé Trà My cười tươi bên chiếc bánh gato chúc mừng sinh nhật tròn 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Lệ (25 tuổi, Hà Nội) lại rưng rưng nước mắt hạnh phúc. Ngày ấy của một năm về trước, chị lên bàn sinh với biết bao tâm trạng lo lắng trực chờ và nỗi đau có thể ập đến bất cứ lúc nào với một bà mẹ trẻ sinh con non 25 tuần tuổi chỉ nặng 650g.
Bầu 25 tuần, đi khám thai mà không nghĩ đã lên bàn đẻ
24 tuổi, chị Lệ đón nhận niềm hạnh phúc khi sắp được chào đón thành viên mới, trái ngọt đầu tiên trong tổ ấm nhỏ của gia đình mình. Suốt 6 tháng mang bầu chị chỉ bị sợ mùi thức ăn chút xíu, còn mọi chuyện vẫn bình thường. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi nhưng nào ngờ bầu 25 tuần, chị xuất hiện dấu hiệu đau bụng râm ran và sinh non con chỉ nặng 6,5 lạng.
“Khi thai 23 tuần, mình đi khám vẫn bình thường. Đến tuần 25, mình bị vỡ ối khi đi ngủ. Lần đó, mình cũng không hề thay biết cứ nghĩ ngủ mơ đi vệ sinh vậy thôi nhưng đến trưa mình thấy đau bụng râm ran, đi khám mới biết cạn ối. Mình ra viện Sản cũng chỉ nghĩ đi khám, không nghĩ là đi đẻ và vẫn còn hỏi bác sĩ có giữ được không nhưng không giữ được. Mình được chỉ định tiêm trưởng thành phổi và sinh em bé trong 24h sau”, chị Lệ kể.
Khi lên bàn đẻ chị phải đối mặt với biết bao nỗi lo sợ, đặc biệt bác sĩ luôn làm sẵn tư tưởng cho gia đình về trường hợp xấu có thể xảy ra với trẻ sinh non.
Sau khi sinh xong, chị chỉ kịp nghe một tiếng khóc yếu ớt của con rồi nhìn bác sĩ mang con vào lồng kính gấp. Rồi sau đó là những tháng ngày nhớ mong, lo lắng cho tình trạng của con.
“Mọi người ở quê mình nghĩ con chỉ nặng 6,5 lạng sẽ không sống được và không được hoàn thiện bộ phận cơ thể, sẽ khuyết bộ phận nào đó. Một vài người cũng bảo xin bé về, trời sinh bé nếu giữ được thì làm người, còn không về với đất mẹ. Thế nhưng mình vẫn để bé ở viện”, chị Lệ cho biết.
Sinh con ra, ai cũng được mong bế ẵm, cho con bú những giọt sữa mẹ đầu tiên nhưng chị Lệ lại trở về nhà sau sinh một mình. Về trong căn phòng với biết bao quần áo, tã bỉm chuẩn bị sẵn mừng con chào đời nhưng lại thiếu vắng tiếng khóc của con khiến chị lo lắng, dằn vặt và thất vọng. Đặc biệt, mỗi khi sữa về, tức ngực khiến chị phải khóc vì nhớ con.
Bủn rủn chân tay khi bế con 6,5 lạng chụp XQ, bác sĩ nói có thể con bị mù
Đến bây giờ khi nhớ lại khoảng thời gian con nằm lồng kính trong viện hơn 2 tháng trời, chị Lệ lại rưng rưng và thương chồng hơn. Suốt khoảng thời gian ấy, chồng chị ngày nào cũng đi xe 30km giữa trưa nắng chói chang của trời Hà Nội tháng 6, tháng 7 từ 10h-13h đến viện nghe tin tức của con chỉ vỏn vẹn trong vài phút rồi lại đi xe về làm việc.
Ngày nào cũng vậy, suốt một tháng trời ròng rã, dù những giọt mồ hôi rơi ướt áo như tắm nhưng nghĩ đến cảm giác được gần con hơn khiến vợ chồng không quản ngại tất cả.
Tuy không thể đến viện nghe tin con cùng chồng nhưng ở nhà không một phút nào chị Lệ không niệm Phật cầu mong cho con vượt qua tất cả để đến bên mình.
“Cả 1 tháng chồng nghe tin tức, bác sĩ luôn bảo gia đình chuẩn bị tâm lý chắc không qua khỏi, còn dựa vào nghị lực của con”, chị Lệ giọng trùng xuống.
Chị Lệ cho biết, chị gặp con lần đầu là lần bế con đi chụp XQ, kiểm tra sức khỏe sau 1 tháng nằm lồng kính. Cảm giác bế con lần đầu trên tay, tim chị đập thật nhanh, tay chị run run và sợ hãi nữa, sợ làm con đau, sợ con bị tím tái. Cái cảm giác đó, chị chẳng bao giờ quên được.
Khi được ghép mẹ và con, được ấp Kangaroo, nhìn con chân tay bé nhỏ, yếu ớt, chị lại nghẹn ngào đến bủn rủn chân tay nhưng dường như tình mẫu tử trỗi dậy trong lòng, khiến một bà mẹ trẻ như chị học hỏi được tất cả từ cách bế con đến cho con ăn.
Tuy con khỏe hơn nhưng sau đó, chị đứng không vững, đôi tai ù đi vì đối diện với việc con bị non võng mạc có thể bị mù nếu không phát triển từ thông báo của bác sĩ.
“Bé sinh được 3 tuần, mình cho con đi khám mắt, bác sĩ nói vậy. Buồn, lo lắng nhiều nhưng mỗi tuần con lại phát triển hơn chút.
Sau 6 lần đi khám, khoảng 2 tháng sau con tiêm võng mạc. 2 tháng 5 ngày con được 1,3kg được về với mẹ nhưng về nhà được một tháng con lại phải vào nằm viện Nhi 20 ngày điều trị bệnh.
Ra viện, trộm vía con ăn ngoan, ngủ tốt. Tuy nhiên, do sinh non, thở máy và oxi nhiều nên hiện nay biến chứng để lại là con bị mất 1 ít vách ngăn ở mũi”, chị Lệ cho hay.
Tất bật đi xin sữa, kiên trì khi cho con ăn dặm
Không cho con bú sữa nhiều, mỗi lần vắt sữa cho con ở viện cũng chỉ được 5-10ml nên chị Lệ bị mất sữa sau khi con được về nhà. Vì mong muốn cho con được bú sữa mẹ trong những tháng đầu tiên nên chị tất bật đi xin sữa của một người bạn kết hợp với cho con ăn sữa ngoài.
Bên cạnh đó, để chăm con tốt hơn, chị chăm chỉ lên mạng học hỏi các bà mẹ bỉm sữa khác và thuần thục mọi công việc chăm con từ A-Z. Chị Lệ bảo, đến bây giờ, cho con ăn vẫn là khó khăn nhất với chị bởi con hay bị nôn, trớ và chị vẫn phải ép, kiên trì dành 30-60 phút mỗi bữa cho con ăn.
Vì con sinh non nên 9 tháng chị mới bắt đầu cho ăn dặm. Mặc dù mới ăn dặm được 3 tháng nhưng cân nặng của con vẫn phát triển tốt, đến nay 1 tuổi nặng hơn 9,4kg.
Tuy nuôi con sinh non nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhìn thấy con phát triển từng ngày, nhìn thấy nụ cười con cũng khiến chị hạnh phúc. Con đã giúp cho bà mẹ trẻ như chị nhìn thấy nghị lực, hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng biết nhường nào.