Thời tiết nắng nóng của mùa hè là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh cho trẻ em. Vậy mẹ đã biết vào mùa hè trẻ thường hay mắc phải bệnh gì chưa?
- Thận trọng sử dụng kháng sinh cho trẻ sơ sinh
- Hướng dẫn mẹ cách làm sữa hạt điều cho bé tăng cân, hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả
Không khí nóng bức, ngột ngạt khi thời tiết chuyển sang hè dễ khiến các bé gặp những căn bệnh theo mùa như: Rôm sảy, thủy đậu, tiêu chảy, sốt siêu vi. Cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ và luôn trong tư thế “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Các bệnh trẻ thường mắc phải trong mùa hè
Rôm sảy và các bệnh ngoài da
Rôm sảy, lang ben, nấm tay chân, ghẻ lở, viêm nang lông… là những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ vào mùa hè. Khi thời tiết nắng nóng, các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ thể bé tăng cường thải nhiệt khiến bé dễ mắc bệnh hơn. Nếu mẹ không chú ý vệ sinh cơ thể bé, đặc biệt là những vùng kín như: Bẹn, nách cổ (vùng dưới cằm), khe mông... bé có thể bị nổi mụn ngứa, rôm sảy và các bệnh da liễu khác.
Bệnh tiêu chảy
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết tiêu chảy là một trong các bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi vào hè.
Để hạn chế tiêu chảy, mẹ nên cho bé ăn uống hợp vệ sinh, không nên ăn ngoài hàng quán. Nên rửa tay trước khi ăn, uống nước sạch và tắm bằng nước sạch cho trẻ. Đối với trẻ đang bú sữa mẹ cần cho trẻ bú đủ lượng sữa trong ngày.
Sốt siêu vi
Trẻ bị sốt siêu vi hay sốt vi rút thường có dấu hiệu sốt cao, đau mỏi người, đau đầu và có một số triệu chứng của viêm đường hô hấp như: Ho, sổ mũi, hắt hơi. Trẻ còn có hiện tượng sốt phát ban, sốt nổi hạch trong những ngày phát bệnh tiếp theo.
Mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ nếu liên tục sốt cao, thường xuyên bù nước điện giải và cho bé ăn đủ chất, vệ sinh cẩn thận mũi – họng để tránh bội nhiễm.
Bệnh thủy đậu
Căn bệnh "đến hẹn lại lên" này thường bắt đầu vào mùa từ tháng 4 đến tháng 6. Bệnh thủy đậu do vi rút varicella zoster gây ra, lây qua đường hô hấp. Theo các bác sĩ Nhi, cách tốt nhất để phòng tránh thủy đậu cho bé là tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa thủy đậu. Nếu vô tình tiếp xúc với người mang mầm bệnh, cha mẹ nên đưa bé đi chích ngừa trong vòng 72 giờ.
Phòng bệnh mùa hè cho trẻ
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời điểm xuân hè trẻ có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Các bậc phụ huynh cần thực hiện nhiều biện pháp phòng chống và tăng cường sức đề kháng cho trẻ như:
- Quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm cho bé với các tiêu chí: Ăn sạch, uống sạch, không cho trẻ uống nước lã, ăn quả xanh chưa rửa sạch.
- Không để trẻ chơi đùa dưới trời nắng gắt, nhất là vào buổi trưa hoặc xế chiều.
- Nên mắc màn cho trẻ khi ngủ kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Không nên để quạt quay trực tiếp về phía bé khi ngủ. Không để nhiệt độ điều hòa thấp và cũng không nên cho trẻ nằm ngủ hoặc chơi dưới làn gió của máy điều hòa.
- Trẻ hoạt động ra nhiều mồ hôi mẹ cần lau khô và thay quần áo cho trẻ, không để con bị nhiễm lạnh. Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
- Hạn chế sự phát triển của muỗi, người lớn cần tăng cường diệt muỗi, diệt loăng quăng tại nơi ở.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.
- Tuyệt đối cấm trẻ tắm sông, ao, hồ nếu không có sự giám sát của người lớn.
- Cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc.