Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh viêm hô hấp hơn trẻ sơ sinh vì bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong khi hệ miễn dịch còn yếu. Do đó, cha mẹ cần chăm sóc đúng cách nhằm giúp con tăng cường sức đề kháng.
- Tạo môi trường khoa học giúp trẻ có hành vi tốt trong việc ăn uống theo lời khuyên của chuyên gia
- 5 món cháo giúp trẻ còi xương nhanh tăng cân, béo tốt
Tại sao trẻ em dễ bị viêm hô hấp?
Thông thường, trẻ sơ sinh từ 4 – 6 tháng tuổi ít khi mắc bệnh viêm hô hấp hoặc một số bệnh thông thường khác vì cơ thể bé nhận được lượng kháng thể chống bệnh của cơ thể mẹ truyền sang.
Việc bú mẹ cũng giúp trẻ sơ sinh nhận được kháng thể đáng kể. Mặt khác, trong giai đoạn này trẻ sơ sinh ít tiếp xúc với môi trường và người lạ nên tránh được các bệnh về đường hô hấp.
Ở những trẻ lớn hơn, các bé sẽ dần tiếp xúc với môi trường nên rất dễ mắc bệnh viêm hô hấp. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi, hoạt động sinh hoạt thường ngày làm giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho virus hoặc vi trùng dễ xâm nhập vào hệ hô hấp.
Dấu hiệu trẻ mắc chứng viêm hô hấp
Đối với các bệnh viêm hô hấp thông thường, cha mẹ có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu thường gặp.
Hai trong số nhiều bệnh viêm hô hấp thường gặp ở trẻ là viêm phổi và viêm thanh quản. Khi theo dõi nhịp thở của trẻ nếu thấy bé thở nhanh, hay thở rút ngực thì có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Trường hợp trẻ khóc khàn, khó thở là dấu hiệu của viêm thanh quản. Bệnh sẽ trở nặng hơn khi trẻ có dấu hiệu sốt li bì, bỏ bú, co giật. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy những dấu hiệu này.
Trẻ em mắc bệnh suyễn sẽ có dấu hiệu ho kéo dài và thường ho về đêm. Trường hợp trẻ thường xuyên sổ mũi trong thời gian dài, liên tục chảy nước mũi rất có thể đã mắc bệnh VA. Một số trẻ thở khò khè nhưng vẫn bú mẹ tốt, tươi tỉnh thì nguyên nhân thông thường do đường thở mềm, lớn lên sẽ hết hiện tượng này.
Cách phòng và chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp
Khi trẻ có các triệu chứng viêm hô hấp, mẹ cần thường xuyên nhỏ mũi, bôi dầu vào lòng bàn chân và chú ý đến nhiệt độ phòng. Mẹ có thể cho trẻ uống thuốc ho thảo dược theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu tình trạng không thuyên giảm, nên cho trẻ đi khám tại bệnh viện.
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Trong sinh hoạt hàng ngày cần cho trẻ sơ sinh bú mẹ đầy đủ, trẻ lớn có thể bổ sung thêm nước, các thức ăn dặm giàu dinh dưỡng.
Trong sinh hoạt hàng ngày mẹ cần lưu ý đến nhiệt độ môi trường quanh trẻ, không nên để nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Trẻ nằm điều hòa ở nhiệt độ 27 độ C, tránh gió lùa sẽ tốt hơn so với nằm quạt. Mẹ không nên cho trẻ tắm quá lâu hoặc tắm nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, mẹ cần cho trẻ đi ngủ sớm và đúng giờ để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Trẻ em cần đi vào giấc ngủ sâu từ khung giờ 9 giờ đêm – 5 giờ sáng để tạo miễn dịch, tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
(Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM)