Trời nắng nóng gay gắt, cần cảnh giác với “vi khuẩn ăn thịt người” đáng sợ thường dễ mắc phải khi đi biển

Sức khỏe 09/07/2020 09:43

Mới đây, ở Việt Nam đã ghi nhận một ca mắc vi khuẩn Vibrio vulnificus từ biển có khả năng “ăn thịt người” rất đáng sợ. Vậy thực hư loại vi khuẩn này là thế nào?

Mới đây khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nam bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. 59 tuổi ở Hải Phòng bị nhiễm trùng máu nặng. Trước đó, ông có ăn hải sản chưa nấu chín kỹ, sau vài giờ thì bắt đầu đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn.

Dù đã được các y bác sĩ điều trị bằng kháng sinh mạnh từ đầu, lọc máu, thở máy liên tục cùng các biện pháp điều trị hồi sức khác nhưng bệnh vẫn ngày một nặng thêm. Khi nhận thấy tiên lượng tử vong, gia đình đành xin cho bệnh nhân về sau 4 ngày điều trị.

Trời nắng nóng gay gắt, cần cảnh giác với “vi khuẩn ăn thịt người” đáng sợ thường dễ mắc phải khi đi biển - Ảnh 1

Hình ảnh tình trạng của bệnh nhân Đ. sau khi bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trước đó, theo trang sức khỏe Health đưa tin, một người đàn ông 71 tuổi tại Mỹ đã chết sau khi ăn hàu sống tại nhà hàng ở Sarasota, Florida. Nguyên do được biết là bởi ông đã bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus từ món hàu sống chưa chín kỹ - giống hệt trường hợp của nam bệnh nhân trên.

Hay đầu năm nay, tại Texas cũng có một phụ nữ tên Jeannette LeBlanc chết do nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus. Cụ thể, cô cùng gia đình đi du lịch biển tại Louisiana nên đã tiện tay nhặt một số động vật có vỏ rồi ăn chúng. Vài ngày sau, cô rơi vào tình trạng khó thở, những vết loét và phát ban ngày một phát triển rộng ra. Sau 3 tuần chiến đấu thì cô đã không thể qua khỏi.

Vậy loại vi khuẩn "ăn thịt người" nguy hiểm này là gì, tại sao nó có thể gây chết người chỉ trong thời gian ngắn như thế?

Vi khuẩn ăn thịt người này là gì?

Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn được mệnh danh "ăn thịt người" thường xuất hiện tự nhiên ở vùng biển và cửa sông. Theo khoa học, nó là phẩy khuẩn gram âm có khả năng di động và thuộc vi khuẩn hệ bình thường. Chúng phân lập từ nước biển, trầm tích và nằm trên nhiều hải sản như tôm, hàu, cá, sò.

Tuy được gọi với cái tên đáng sợ như vậy, nhưng trên thực tế không có một loại vi khuẩn nào có thể ăn thịt người theo đúng nghĩa đen. Về bản chất, cụm từ "ăn thịt người" do vi khuẩn gây ra thường để ám chỉ hiện tượng viêm cân mạc hoại tử - một loại nhiễm khuẩn sâu dưới da gây phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ trên cơ thể.

Trời nắng nóng gay gắt, cần cảnh giác với “vi khuẩn ăn thịt người” đáng sợ thường dễ mắc phải khi đi biển - Ảnh 2

Hình ảnh vi khuẩn Vibrio vulnificus được phóng đại dưới kính hiển vi.

"Cụm từ vi khuẩn ăn thịt người này sẽ khiến bạn nghĩ rằng, mình sẽ bị thối rữa cơ thể khi chạm vào chúng. Nhưng thực tế, bạn phải có một vết thương hở từ trước hoặc ăn hải sản sống thì chúng mới có cơ hội đi vào máu và phá vỡ làn da" – Tiến sĩ Gabby Barbarite, nhà nghiên cứu tại Đại học Florida Atlantic chia sẻ.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC), mỗi năm có khoảng 80.000 người bị bệnh do vi khuẩn Vibrio vulnificus tấn công, trong đó khoảng 100 người trong số này đã tử vong. Nhưng đáng quan ngại hơn, hơn 52.000 ca bệnh là do ăn thực phẩm bị ô nhiễm, chủ yếu là các loại động vật có vỏ hoặc chưa nấu chín.

Các triệu chứng nhận dạng khi bị nhiễm phải vi khuẩn Vibrio vulnificus

Khi bệnh nhân bị loại vi khuẩn này tấn công, nó sẽ làm giảm khả năng tiêu diệt các thể xâm nhập của hệ miễn dịch để sinh sản và gây bệnh trong cơ thể. Dần dần, vi khuẩn sẽ sinh ra nhiều độc tố gây độc tế bào và phá hủy cơ thể người, chẳng hạn như độc tố ly giải tế bào Vvha, độc tố phân hủy protein VvpE…

Trời nắng nóng gay gắt, cần cảnh giác với “vi khuẩn ăn thịt người” đáng sợ thường dễ mắc phải khi đi biển - Ảnh 3

Một số dấu hiệu nhận dạng ban đầu chính là sau khi ăn hải sản sống xong, nếu bị nhiễm Vibrio vulnificus thì sẽ xuất hiện nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng nặng nề. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh nếu đi tắm biển khi có vết thương hở, khiến vi khuẩn xâm nhập qua da và gây nhiễm trùng. Một điểm lưu ý khác chính là vẫn chưa có bằng chứng về việc truyền Vibrio vulnificus từ người sang người.

Bên cạnh đó, những người có hệ miễn dịch yếu mà bị nhiễm Vibrio vulnificus sẽ có các triệu chứng như sốt, rét run, tụt huyết áp nghiêm trọng đi kèm với sốc cùng các nốt phỏng chứa mủ trên da. Một khi các triệu chứng trên đã xuất hiện thì phải đi cấp cứu càng sớm càng tốt, thời gian ủ bệnh trong khoảng 3 tiếng – 6 ngày.

Làm sao để phòng tránh loại vi khuẩn "ăn thịt người" đáng sợ này?

Theo một thống kê cho thấy, trong 180 bệnh nhiên nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus thì có đến 92,8% đã ăn hàu sống khoảng 2 ngày trước đó. Vậy nên điều đầu tiên mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lưu ý chính là không được ăn hải sản sống, đặc biệt là các loại có vỏ cứng. Cần ăn chín uống sôi và không ăn đồ tái, nhất là hàu sống.

Trời nắng nóng gay gắt, cần cảnh giác với “vi khuẩn ăn thịt người” đáng sợ thường dễ mắc phải khi đi biển - Ảnh 4

Ngoài ra, nếu bạn đang có những vết thương ở ngoài da như đứt tay hoặc chợt xước thì không nên xuống nước, kể cả nước sông hay nước biển. Cần hạn chế các hoạt động như tắm biển, câu cá hay chế biến hải sản khi đang bị thương. Nhất là phải cẩn thận khi chế biến tôm (bị đuôi tôm đâm vào tay) và tránh đạp các loại ốc, vỏ khi đi biển.

Những người có tiền sử bệnh nền như bệnh gan mãn tính, tan máu bẩm sinh, suy thận, tiểu đường… thường dễ nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus hơn nên phải cẩn thận. Hãy đến các cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện về tiêu hóa, sưng đau tại các vết thương hoặc nổi bọng nước trên chân tay nếu nghi ngờ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Tổng hợp

Hội chứng khiến bé trai 6 tháng tuổi "mọc đuôi" 5cm, em bé 11 tháng tuổi có "đuôi" dài 15cm và ngày càng dài

Thời gian trôi qua, thấy cái "đuôi" của con trai ngày càng dài. Tiểu Ly sợ hãi và nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để khám và điều trị.

TIN MỚI NHẤT