Hành trình lớn lên trong bụng mẹ của thai nhi với 3 giai đoạn tương tự như 3 chặng của hành trình leo núi: Khởi động, tăng tốc và về đích. Bài viết sẽ cung cấp cho mẹ thông tin về toàn bộ quá trình phát triển của thai nhi từ tuần đầu tiên đến khi con sắp sửa chào đời.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 1

Quá trình thụ thai (tuần 1, 2, 3)

Quá trình thụ thai diễn ra khi “anh chàng” tinh trùng và “nàng” trứng gặp nhau. Thời điểm này, bộ gen ADN đã hoàn chỉnh bao gồm cả việc ấn định giới tính thai nhi. Ba ngày sau thời điểm thụ thai, hợp tử (trứng và tinh trùng đã thụ tinh) phát triển thành phôi và phân chia nhanh chóng tạo thành bào thai. Bào thai đi qua ống dẫn trứng đến làm tổ ở thành tử cung. Đây chính là “ngôi nhà” ấm áp cho bé yêu trú ngụ suốt 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 2

Tuần 4

Ở tuần thứ 4, phôi thai sẽ bắt đầu sản sinh ra hormone thai kỳ HCG có chức năng ngăn chặn quá trình rụng trứng hàng tháng. Lúc này, mẹ có thể tinh ý phát hiện những dấu hiệu mình đã mang thai trong những tuần đầu tiên.

Em bé 4 tuần tuổi trong bụng mẹ bắt đầu phát triển cấu trúc định hình khuôn mặt, cổ. Hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành; Các cơ quan nội tạng khác như phổi, dạ dày, gan cũng bắt đầu hình thành.

Tuần 5

Bước sang tuần thứ 5, kích thước của thai nhi chỉ bằng một hạt tiêu và có hình dáng như một con nòng nọc nhỏ hơn là con người. Não bộ, tủy sống, tim và mạch máu thai nhi vẫn tiếp tục hình thành.

Tuần 6

Ở tuần thứ 6, mặc dù kích thước thai nhi đã tăng gấp 3 và được bao bọc trong màng nước ối nhưng trông con cũng chỉ bé bằng hạt lựu. Trái tim nhỏ bé của con đã bắt đầu những nhịp đập đầu tiên.

Tuần 7

Những cơn ốm nghén sẽ bắt đầu trong tuần thai thứ 7. Các bộ phận cơ thể em bé như: Mũi, miệng, tai bắt đầu thành hình; Ruột và não bộ thai nhi tiếp tục phát triển. Mẹ đã có thể nghe những nhịp đập cùa tim thai khi đi siêu âm và cảm nhận mầm nhỏ đang lớn lên từng ngày. Tuy vậy, em bé của bạn cũng chỉ bé bằng một quả việt quất.

Tuần 8

Em bé 8 tuần tuổi của mẹ bầu có kích thước bằng quả nho Mĩ, lớn gấp đôi so với tuần thứ 7. Bé vẫn có chiếc đuôi đằng sau và sẽ sớm tiêu biến. Đôi tay và chân của bé có các lớp màng như mái chèo dần định hình rõ rệt hơn. 

Tuần 9

Thai nhi thực sự có hình dáng con người khi ở tuần thứ 9. Lúc này, bé chỉ nhỏ bằng một quả cherry. Đường tiêu hóa và cơ quan sinh sản của bé bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để bác sĩ có thể nói cho mẹ biết con là bé gái hay bé trai.

Thời điểm tuần thứ 9 cũng là lúc tế bào thần kinh thai nhi phân nhánh, hình thành những ống thần kinh đầu tiên. Đồng thời, ống thở bắt đầu mở rộng từ cổ họng đến phôi thai để phát triển thành phổi.

Tuần 10

Chiếc đuôi nhỏ của thai nhi ở tuần 10 sẽ rụng đi. Kích thước của bé lúc này chỉ bằng một quả quất và hệ cột sống bắt đầu định hình. Mắt và vùng mí mắt của con phát triển hơn, lông mày cũng bắt đầu xuất hiện.

Tuần 11

Thai nhi 11 tuần tuổi bước đầu hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Chân tay bé lúc này đã có thể gập và uốn cong mặc dù lớp da còn mờ. Móng tay của bé cũng dần hình thành. Kích cỡ của con đã bằng một quả dâu tây.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 3

Tuần 12

Thai nhi đã có vóc dáng hoàn chỉnh và bắt đầu cứng cáp khi bước sang tuần thứ 12. Mẹ đã có thể cảm nhận thấy con ở vùng đầu tử cung, trên xương mu. Con lớn bằng trái lê. Móng tay, móng chân và xương tiếp tục hình thành. Lớp lông mịn bao phủ người con cũng xuất hiện trong thời điểm này.

Tuần 13

Thai nhi 13 tuần tuổi có kích thước bằng quả chanh tây. Dây thanh âm của bé bắt đầu phát triển. Bé bắt đầu hình thành các phản xạ như: Nắm xòe ngón tay, gập ngón chân, thực hiện các động tác bú mút. Mặc dù mẹ chưa thể cảm nhận các hoạt động nhưng ở bên trong, con đã biết được các tác động từ bên ngoài, khi mẹ ấn nhẹ lên thành bụng.

Tuần 14

Tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất đánh dấu quá trình phát triển của thai nhi bằng sự xuất hiện của vân tay, hệ thống mạch máu của bé lúc này đã nhìn rõ qua da. Nếu mẹ sinh bé gái, buồng trứng đã chứa đến hơn 2 triệu tế bào.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 4

Tuần 15

Bước vào tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu bắt đầu tăng cân nhưng kích thước thai nhi vẫn chưa tăng vượt bậc. Trong tuần 15, xung não bộ thai nhi bắt đầu hoạt động, bé bắt đầu cử động khuôn mặt. Quả thận của bé cũng đi vào làm việc. Lúc này, bé chỉ lớn bằng quả táo và có thể di chuyển, mút ngón tay trong bụng mẹ.

Tuần 16

Tuần 16 là thời điểm mẹ có thể biết được chính xác giới tính thai nhi khi siêu âm. Mí mắt của bé mặc dù chưa mở nhưng đã cảm nhận được ánh sáng. Kích thước của bé lúc này lớn bằng một quả bơ với chiều dài khoảng 11,6cm, cân nặng khoảng 99g.

Tuần 17

Thai nhi 17 tuần tuổi to bằng quả lê, bé đã bắt đầu biết nấc cụt và mẹ có thể cảm nhận được rõ nét. Đầu thai nhi thẳng hơn, các chi tiết trên da đầu rõ ràng hơn nhưng chưa xuất hiện tóc, đôi tai đã định hình vào vị trí.

Tuần 18

Từ một chấm nhỏ xíu bằng hạt lựu trong những tuần đầu tiên, thai nhi 18 tuần tuổi đã lớn bằng một quả lựu. Đôi tay bé đã cử động linh hoạt, dây rốn phát triển chắc chắn và dày hơn.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 5

Tuần 19

Trong tuần 19, đôi chân của thai nhi dài hơn cánh tay và có những cử động gập chân mẹ có thể cảm nhận được. Bao thần kinh myelin bắt đầu hình thành xung quanh các dây thần kinh trong não bộ bé.

Tuần 20

Thai nhi 20 tuần tuổi đã lớn bằng một quả chuối với chiều dài khoảng 15 cm, cân nặng xấp xỉ 300g. Bé đã có thể làm được nhiều hoạt động như mút ngón tay, ngáp, duỗi đi kèm biểu hiện trạng thái khuôn mặt.

Tuần 21

Ở tuần thai thứ 21, thai nhi đã có thể nuốt nước ối từ môi trường xung quanh, hệ tiêu hóa của bé bắt đầu hình thành phân su. Bé đã lớn bằng một củ cà rốt và có sự phản ứng nhất định với bên ngoài. Nếu mẹ đặt vật nặng lên bụng, bé sẽ di chuyển ra xa hoặc đẩy lùi chúng.

Tuần 22

Em bé trong tuần thứ 22 sẽ lớn bằng một quả đu đủ. Thời điểm này, phổi của bé phát triển nhanh chóng đồng thời tạo ra chất hoạt động bề mặt giúp con có thể thở độc lập khi sinh ra.  

Tuần 23

Thai nhi 23 tuần tuổi đã trông giống trẻ sơ sinh và có kích thước lớn bằng quả bưởi chùm. Não bộ và thính giác phát triển hơn nên bé đã có thể nghe được giọng nói của mẹ. Môi và lông mày của bé đã bắt đầu rõ nét nhưng chưa xuất hiện sắc tố màu mắt.

Tuần 24

Bé đã có thể nghe được nhiều âm thanh hơn trong tuần thai thứ 24. Bé cũng có phản ứng với các âm thanh bằng những cử động hoặc nhịp tim tăng lên, gương mặt bé sẽ trông giống với lúc chào đời với đầy đủ lông mi, lông mày, tóc. Giai đoạn này mẹ hãy tích cực trò chuyện cùng bé về cuộc sống và thế giới bên ngoài.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 6

Tuần 25

Kích thước quả dưa lưới sẽ tương ứng với thai nhi trong tuần thứ 25. Tay bé đã có thể cầm nắm, thậm chí bé đã có thể với tay nghịch mớ dây rốn ngay bên cạnh.

Tuần 26

Em bé 26 tuần tuổi trong bụng mẹ bắt đầu mọc tóc nhiều hơn, lông mày và lông mi rõ nét hơn. Lớp mỡ dưới da thai nhi bắt đầu hình thành.

Tuần 27

Trong tuần thứ 27, thai nhi phát triển mạnh hơn về thính giác. Bé đã có thể phân biệt được giọng nói của mẹ với bố và những người xung quanh. Trẻ cũng tiếp tục các động tác hít thở để có thể hít thở không khí khi chào đời.

Tuần 28

Trong tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ hai này, em bé đã có thể mở mắt, chớp mắt thường xuyên. Đồng hồ sinh học của bé đã dần ổn định. Não bộ bé phát triển khá nhanh trong khi đó các cơ quan hô hấp vẫn tiếp tục hoàn thiện.

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 7

Tuần 29

Em bé đã lớn bằng trái cà tím khi bước vào tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ ba. Lớp mỡ dưới da bé tiếp tục hoàn thiện. Bé đã có thể cảm nhận ánh sáng bên ngoài thành bụng mẹ nhiều hơn.

Tuần 30

Trong tuần thai thứ 30, đầu của thai nhi phát triển to hơn nhằm tạo không gian cho bộ não phát triển. Chu kỳ ngủ của bé cũng dao động trong khoảng thời gian từ 30 – 60 phút. Khi thức dậy, bé có thể báo hiệu cho mẹ biết bằng những cú đạp mạnh vào thành bụng.

Tuần 31

Em bé đã lớn dần bằng cây tỏi tây khi ở tuần thứ 31. Cân nặng thai nhi bắt đầu tăng dần đều mỗi tuần cho đến thời điểm chào đời.

Tuần 32

Thai nhi đã có thể xoay đầu từ bên này bụng mẹ sang bên kia. Vị giác bé phát triển hơn, bé cũng đã biết nếm thử những ngụm nước ối.

Tuần 33

Thai nhi 33 tuần tuổi đã có kích thước bằng quả sầu riêng. Lông, tóc phát triển nhiều bao phủ cơ thể bé giúp giữ ấm trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tuần 34

Sự sắp xếp xương trong hộp sọ trong tuần thai thứ 34 chưa hợp nhất nhưng có thể giúp đầu thai nhi di chuyển dễ dàng qua đường âm đạo mẹ khi chào đời. Kích thước bé lúc này đã lớn bằng quả bí hồ lô.

Tuần 35

Ở tuần 35, hệ thần kinh trung ương và hệ hô hấp của thai nhi đã hoàn thiện hơn. Kích thước bé lúc này tương ứng như quả dừa. Theo các bác sĩ, đa số những em bé sinh non ở tuần thai thứ 35 đều không gặp các biến chứng về sức khỏe

Mẹ có biết: Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong bụng mẹ diễn ra như thế nào? - Ảnh 8

Tuần 36

Chiều cao của thai nhi ở tuần thai thứ 36 đạt 47cm, cân nặng khoảng 2,7kg. Vùng đầu thai nhi thường nằm ở vị trí xương chậu để chuẩn bị chào đời. Thời gian mẹ và bé gặp nhau đã đến rất gần.

Tuần 37

Tốc độ tăng cân của bé trong tuần thứ 37 là khoảng 30g mỗi ngày. Làn da bé được bao phủ bằng một lớp sáp trắng, cơ thể bé lúc này đã lớn bằng quả đu đủ.

Tuần 38

Khi thai nhi được 38 tuần tuổi, các liên kết não bộ hình thành dày đặc giúp các hoạt động thường ngày của bé diễn ra trơn tru hơn, giấc ngủ của bé sẽ ổn định cho đến lúc chào đời.

Tuần 39

Đến tuần thứ 39, sắc tố màu mắt của bé vẫn chưa được xác định. Lớp sáp bao phủ bề mặt da bong tróc dần, thay vào đó là lớp lông tơ che phủ làn da thai nhi từ giữa tam cá nguyệt thứ hai tiếp tục phát triển. Bé lúc này đã lớn bằng quả bí đỏ.

Tuần 40 – Tuần 42

Trong các tuần thứ 40 - 42, kích thước của bé to bằng quả dưa hấu và đã phát triển đầy đủ các hệ cơ quan, chuẩn bị cho hành trình sống độc lập bên ngoài bụng mẹ. Giai đoạn này, đa số các bà mẹ đều trong tâm thế sẵn sàng đến bệnh viện đón bé yêu.

Mang thai luôn là khoảng thời gian nhiều trải nghiệm của các bà bầu. Mỗi tuần trôi qua, thai nhi đều đạt đến sự phát triển nhất định trong bụng mẹ cho đến lúc chào đời. Theo sát sức khỏe thai kỳ và quá trình lớn lên của con sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy yên tâm và hạnh phúc với hành trình làm mẹ sắp tới. 

Bài viết: Hồng Ngân (T.H)

Xem thêm: